Trong lịch sử, những thời kỳ quá độ đều là thời kỳ cực trọng yếu, ảnh hưởng lớn mạnh đến động hướng của Quốc gia, Dân tộc và Xã hội. Thời kỳ Tam-quốc là một thời kỳ quá độ, cũng như Hán Sở tranh hùng là thời kỳ quá độ từ Tần qua nhà Hán, Xuân thu Chiến quốc là thời kỳ quá độ từ Chu qua Tần.
Thời kỳ quá độ thì bao giờ tranh chấp cũng rất khốc liệt và chính trị tính thật cao. Vì thế ông Kim Thánh Thán mới đề trong nguyên tự của bộ Tam quốc mấy chữ: Tam quốc giả nãi cổ kim tranh thiên hạ chi nhất đại kỳ cục (Tam quốc là một cuộc tranh chấp chính trị kỳ diệu)
Do tính chất điển hình văn hóa Trung quốc, do tính chất kỳ diệu của tranh chấp chính trị, thêm vào đấy bút pháp thần kỳ của nhà văn La Quán Trung, pho chuyện Tam quốc chí đã trở thành một tác phẩm văn học phổ biến nhất của Trung quốc. Các giai tầng xã hội kể từ phần tử trí thức, đến quí tộc, thường dân, nông dân, từ vị tuổi tác đến đàn bà con trẻ chẳng ai là không biết tên Lưu Bị, Tào Tháo, Khổng Minh. Không những Tam quốc chí diễn nghĩa phổ biến trong nhân dân Trung quốc, nó còn phổ biến trong dân gian các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung quốc nữa. Thứ nhất là người Việt chúng ta, nói Tam quốc và “nhấm nháp” thú vị Tam quốc hầu như rất quen với tất cả và thuộc đủ tầng lớp. Các trẻ em ta vui chơi thường hát vè rằng:
“Bồ cu bồ các
Tha rác lên cây,
Gió đánh lung lay,
Là vua Cao tổ.
Những người mặt rỗ,
Là ông Tiêu hà,
Nước chảy qua đường,
Là dượng Tào Tháo
Đánh bạc cố áo,
Là anh Trần Bình.
Nhà văn Nam Cao tả trong một đoản thiên tiểu thuyết của ông, hình tượng điển hình nhất để nói lên cái “thú vị chi cực” của Tam quốc đối với người Việt. Có người xem xong một đoạn Tam quốc, khoái quá anh ta đã vỗ đùi đánh đét mà chửi đổng một câu” Tiên sư cái thằng Tào Tháo!” để tỏ lòng phục tài của một chính trị gia lỗi lạc.
Có điều đáng tiếc, đa số chúng ta chỉ đem Tam quốc để tán trà dư tửu hậu mà thôi. Phải chăng thói quen ấy đã đáp ứng với tinh thần của bài từ mở đầu qua mấy câu ca dao:
Nhất hồ trọc tửu hỷ tương phùng
Cổ kim đa thiểu sự.
Đô phó tiếu đàm trung.
Tạm dịch:
Gặp nhau hồ rượu đầy vơi,
Xưa nay bao nhiêu việc,
Phó mặc cuộc nơi cười.
Nhưng chuyện Tam quốc chí còn mang một giá trị rất lớn về tư tưởng và quyền thuật chính trị. Người phương Đông đọc Tam quốc, bàn luận về Tam quốc cũng cần thiết như người phương Tây đọc và bàn Le Prince, l’Etat et la révolution. Chúng ta có thể tỉa rút từ Tam quốc nhiều kinh nghiệm, nhiều qui luật chính trị. Sự phong phú kinh nghiệm, phong phú qui luật chính trị chứa chất trong pho Tam quốc càng làm nổi bật cái tài hoa của Đông phương, đã tan biến được ý thức về chính trị sâu sắc và rắn chắc vào một hình thức nhẹ nhàng giản dị: thông tục tiểu thuyết. Dưới hình thức thông tục tiểu thuyết, Tam quốc chí diễn nghĩa không chỉ làm cho dễ hiểu, hứng thú, còn gây cho người đọc một lực tưởng tượng dồi dào. Dễ hiểu, hứng thú, tưởng tượng dồi dào là những yêu cầu căn bản mà Tứ Thư, Ngũ kinh hoặc Nhị thập tứ sử, Thông giám, Cương giám, không có khả năng cung cấp nổi.
Tuy nhiên, Tam quốc chí diễn nghĩa cũng không khỏi chịu sự câu thúc của tư tưởng Đạo thống chính thống cho nên vẫn thấy xuất hiện ít nhiều thiên kiến.
Ngoài ra Tam quốc còn một đặc điểm nữa: dùng thú vị tiểu thuyết lôi cuốn độc giả vào chỗ tế nhị của tư tưởng quân sự. Trong Tam quốc, “binh pháp” Tôn Vũ tử hầu hết được đem chuyển từ sắc thái tư tưởng trừu tượng thành những bức tranh cụ thể, linh động. Cho nên phàm người nào muốn tìm hiểu Tôn Tử binh pháp mà không đọc Tam quốc, không suy tư về những chiến trận trong Tam quốc, thiết nghĩ thật là một điều khiếm khuyết vô cùng. Bởi vì nếu xét lại tự sự chiến trường Tam quốc, ai ai cũng phải công nhận, tư tưởng Tôn Vũ Tử như đã hòa vào máu đỏ để chảy trong huyết mạch nhà văn La Quán Trung.
Tóm lại: pho Tam quốc chí diễn nghĩa xứng đáng là một tác phẩm gối đầu giường của mọi người. Tán chuyện Tam quốc là một cái khoái vô song. Bàn luận nghiêm túc chính trị, nhân vật, chiến sự Tam quốc là một nhu yếu rất thiết thực, thứ nhất đối với thời thế “Tam phân ngũ liệt” của chúng ta bây giờ.