Từ năm 2007 đến nay, tôi thường xuyên về Việt Nam. Sau 42 năm miệt mài trong môi trường kinh doanh Trung Quốc và trước đó, ở Mỹ, tôi thực sự thấy chán thức ăn và con người Trung Quốc; cũng như lối sống vội vã và sự ngạo mạn của người Mỹ. Tôi muốn tìm một điều gì đó khác hơn và hy vọng Việt Nam sẽ là một “quê hương thực sự” cho phần đời còn lại của mình.
Tôi không có ảo tưởng nhiều về đất nước này nên cũng không có những thất vọng gì lớn lao. Những vấn đề kinh tế, xã hội và văn hóa rất giống những gì tôi thấy ở Trung Quốc 15 năm về trước, hay Thái Lan, Mã Lai… 30 năm về trước. Thời đại siêu tốc về thông tin của thế giới Internet đã không đẩy nhanh hơn tiến trình chuyển đổi quốc gia theo đà tiến hóa của nhân loại.
Tuy vậy, có một điều khác biệt: tôi không sinh ra hay lớn lên tại Trung Quốc hay Thái Lan, Mã Lai… nên tôi chỉ cười với những người nước ngoài khác khi họ phê bình hay giễu cợt điều gì đó nghịch lý và thua kém của dân bản xứ, nhưng với Việt Nam, nơi tôi gọi là “quê hương”, điều này thường làm tôi đau lòng và trăn trở.
Có lẽ trăn trở hơi nhiều, nên tôi mất ngủ thường xuyên. Nhưng cũng nhờ những đêm thiếu ngủ này mà các bạn có cơ hội đọc những suy nghĩ của tôi về Việt Nam qua các bài viết sau đây. Dĩ nhiên, tư duy này rất chủ quan, phiến diện… nhìn từ góc cạnh một anh “Việt kiều” quá già để thay đổi nhiều về tư duy, định kiến, quy tắc, nền tảng luân lý… đã phát sinh trong một môi trường khác hẳn các bạn.
Nhưng tôi lại có một niềm tin mãnh liệt vào “con người” Việt Nam, nhất là khi họ phải đối đầu với nghịch cảnh và thử thách. Tôi nhớ hơn 1 triệu người Việt đã đến Mỹ vào thập niên 1970, không một đồng xu dính túi, không một học thức gì đáng kể, không một giúp đỡ nào từ cộng đồng người Việt (tất cả đều là lính mới). Từ hai bàn tay trắng, trong hơn 10 năm họ đã tiến bộ vượt bậc để bắt kịp các cộng đồng người Hoa, người Ấn, người Phi… đã tồn tại cả trăm năm trước họ. Con cái họ đã làm rạng danh người Việt tại các trường trung học, đại học. Doanh nhân Việt kiều đã đạt những thành tích làm mọi người nể phục. Đó là phẩm chất của con người Việt mà tôi không bao giờ mất niềm tin.
Tập sách Một Tư Duy Khác Về Kinh Tế và Xã Hội Việt Nam được viết lại để ghi nhận và chia sẻ cùng tất cả người Việt niềm tin đó.
Sau cùng, tôi xin được cảm ơn Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, cùng các bạn bè (quá đông để kể hết tên), những người bạn chân tình đã hỗ trợ và khuyến khích tôi rất nhiều trong những lần về với quê hương. Tôi cũng cám ơn anh Nguyễn Hồ, chị Lê Bình đã giúp tôi hiệu đính và hoàn chỉnh tập sách này. Tôi cũng xin cảm ơn Công ty Sách Thái Hà và tất cả nhân viên đã giúp tay để đem cuốn sách này đến với độc giả trên toàn quốc. Trên hết, tôi xin cảm ơn mọi người Việt tôi đã gặp trên các nẻo đường của thế giới, dù thân hay sơ, dù tốt hay xấu, dù thành công hay thất bại… đều dạy tôi những bài học quý báu và đáng nhớ. Những bài học giúp tôi trở thành một con người “Alan” ngày nay.
Với tất cả trân trọng cho quê hương chúng ta!
Alan Phan
Sài Gòn, ngày 5 tháng 5 năm 2011