Bạn nhấn mạnh nhiều lần về tầm quan trọng của nhân ái, nhưng nhân ái thì có quan hệ gì đến cuộc sống và sự nghiệp của chúng ta?
Nhân ái không những rất gần chúng ta, mà còn có quan hệ mật thiết đến cuộc sống và sự nghiệp của chúng ta, thậm chí có thể nói rằng, đó là nền tảng căn bản cho sự thành công trong cuộc sống và sự nghiệp của chúng ta.
Một nhân viên đạt tiêu chuẩn thì cần phải có những phẩm chất nào?
Quan tâm và tôn trọng đồng nghiệp, yêu nghề, mạnh dạn đảm nhận trách nhiệm mà không phàn nàn người khác, giúp đỡ và ủng hộ người khác, kiên trì quan điểm đúng đắn, chính xác. Đó là những phẩm chất mà một nhân viên cần có. Tất cả những phẩm chất này chính là yêu cầu mà Luận Ngữ đặt ra đối với nhân ái.
Trong Luận Ngữ, nhân ái bao gồm các mặt sau: “nhân giả ái nhân” (người nhân từ biết yêu thương người khác), “chấp sự kính” (làm việc phải nghiêm túc, cẩn thận), “kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều mình không muốn làm, thì không bắt người khác làm), “thành nhân chi mỹ” (ủng hộ điều tốt đẹp của người khác), “đương nhân bất nhượng” (làm việc nhân đạo thì không phải khiêm nhường),…
Trong hội nghị bình chọn công nhân viên diễn ra cuối năm 2009, Lưu Dương nhận được sự tán thành và ủng hộ cao, được bầu chọn là một trong những nhân viên ưu tú nhất của công ty. Sự thay đổi của Lưu Dương khiến tất cả mọi người đều cảm thấy kinh ngạc. Trong hoạt động bình chọn nhân viên thường niên nửa đầu năm 2009, dù là khả năng giao tiếp, thành tích của cá nhân, hay là cùng tập thể, biểu hiện của Lưu Dương đều rất kém, cấp trên thậm chí còn xếp cô vào danh sách những nhân viên chờ ngày bị sa thải.
Vậy thì, điều gì đã làm Lưu Dương thay đổi thành một nhân viên ưu tú? Đó chính là nhờ đọc Luận Ngữ. Tháng 6 năm 2009, để nâng cao tố chất nhân viên, công ty đã mua một số lượng lớn sách Luận Ngữ về phát cho nhân viên. Rất nhiều người sau khi nhận sách Luận Ngữ Ứng Dụng Trong Kinh Doanh, bỏ ngay vào ngăn kéo bàn làm việc, và chẳng bao giờ ngó ngàng đến nó nữa. Lưu Dương thì lại nghiền ngẫm đọc Luận Ngữ, và viết ra những cảm nhận sau khi đọc, đánh giá lại các vấn đề còn tồn tại của bản thân, đồng thời dựa vào các bài học trong Luận Ngữ để lập ra phương án chấn chỉnh bản thân. Rất nhanh sau đó, các đồng nghiệp đều nhận thấy sự thay đổi của Lưu Dương, không còn thấy Lưu Dương của ngày nào tâm hồn luôn treo ngược cành cây, khi đối mặt với khó khăn thì đùn đẩy trách nhiệm, oán trách người khác mà thay vào đó là một Lưu Dương biết quan tâm, giúp đỡ người khác, mạnh dạn nhận trách nhiệm, tận tâm, tận lực thực hiện chức trách.
“… Tôi rất cảm ơn cấp trên đã cho tôi một quyển Luận Ngữ, không có Luận Ngữ, tôi không thể nào hiểu được nhân ái là gì, không thể hiểu được thế nào là yêu nghề, lại càng không có cách nào có thể gần gũi, chan hòa, thân thiện với các đồng nghiệp.” Lưu Dương đã xúc động phát biểu trong lễ nhận khen thưởng.
Bài học:
Nhân ái có quan hệ mật thiết với cuộc sống và sự nghiệp của chúng ta, là nền tảng căn bản cho sự thành công trong cuộc sống và trong sự nghiệp của chúng ta.
Một người có nhân ái hay không, sẽ quyết định họ có thể trở thành một nhân viên đạt tiêu chuẩn hay không.
Phàn Trì vấn nhân,
Tử viết: “Nhân giả ái nhân”
Phàn Trì hỏi thế nào là nhân, Khổng Tử đáp: “Người nhân từ là biết yêu người khác”.
– Nhan Uyên – Chương 12.22
Phàn Trì là đệ tử của Khổng Tử. Có một lần, Phàn Trì thỉnh giáo Khổng Tử rằng: Thế nào gọi là “nhân”, Khổng Tử trả lời rất ngắn gọn: “Ái nhân” (yêu người). “Yêu người” được chia ra làm hai cấp: trước tiên là tôn trọng người khác; sau đó là quan tâm, yêu mến người khác. Không biết tôn trọng người khác thì không thể nào thực sự quan tâm và yêu mến họ được. Do đó, “yêu người” chính là tôn trọng, quan tâm, yêu mến người khác, người có tấm lòng nhân ái là người biết tôn trọng, quan tâm và yêu mến người khác.
Bất kể khi nào, giao tiếp qua lại giữa con người với con người đều là mối quan hệ tương hỗ. Trong doanh nghiệp, một người biết tôn trọng, quan tâm, yêu mến người khác nhất định sẽ nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của người khác. Ngược lại, nếu một người không biết tôn trọng, quan tâm, yêu mến người khác thì họ nhất định sẽ bị người khác bài xích, thậm chí là sẽ bị người khác bỏ rơi.
Tháng 4 năm 2010, Vương Khải bị công ty cho thôi việc với nguyên nhân duy nhất là: Không tôn trọng, quan tâm và yêu mến đồng nghiệp, khiến cho nội bộ ban ngành thiếu cộng tác, không phối hợp ăn ý với đồng nghiệp. Trong khi đó, Vương Khải là một nhân viên kế hoạch rất thông minh, nhưng chính vì quá thông minh nên anh luôn cho rằng, mình ở vị trí cao hơn người khác, bản lĩnh hơn người khác, luôn cười nhạo và công kích ý tưởng của người khác trong các buổi thảo luận sáng kiến ý tưởng mới. Một lần, khi một đồng nghiệp trình bày hết sáng kiến của mình xong, Vương Khải nói: “Đây là một cách nghĩ cực kỳ ngu xuẩn, chỉ có thằng ngốc mới nghĩ ra được như vậy.” Sau đó, bất kể buổi thảo luận nào chỉ cần có Vương Khải tham gia thì mọi người đều giữ im lặng, để tránh bị Vương Khải cười nhạo và phỉ báng. Cuối cùng, toàn thể nhân viên của ban kế hoạch đều gửi một bản báo cáo, trong báo cáo có ghi rõ “nếu Vương Khải còn tiếp tục làm ở bộ phận kế hoạch, thì các nhân viên sẽ xin từ chức tập thể”, kết quả như thế nào chắc ai cũng rõ.