Lịch sử khẩn hoang miền Nam là kết quả quá trình tìm tòi, chắt lọc bằng kinh nghiệm sống mấy chục năm lặn ngụp trong vốn tư liệu quý của dân tộc của nhà văn Sơn Nam. Sách chia làm hai phần, phần thứ nhất đi sâu vào khảo cứu công cuộc mở rộng, phát triển xứ Đàng Trong; xác định vùng biên giới Việt – Miên; chỉnh đốn nội trị… Phần thứ hai chủ yếu đưa ra cái nhìn bản chất về các vùng đất Rạch Giá, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ cùng những triệu chứng bất ổn của chế độ thực dân Pháp. Phần phụ lục phân tích các tài liệu liên quan đến hai biến cố quan trọng về quyền sở hữu đất riêng: Vụ Ninh Thạnh Lộc năm 1927 ở Rạch Giá và vụ Nọc Nạn năm 1928 ở Bạc Liêu. Dư luận mọi giới thời bấy giờ đặc biệt chỉ trích chính sách ruộng đất của thực dân. Xung quanh hai biến cố này có nhiều giai thoại truyền khẩu khiến chúng trở thành chuyện truyền kỳ.
Trong lời giới thiệu, tác giả ghi: “Đầu đề Lịch sử khẩn hoang miền Nam quá lớn, đòi hỏi sự làm việc cần cù, kiên nhẫn, lâu dài của một tiểu ban, một nhóm có thẩm quyền. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi đánh bạo, thử vạch một lối để trèo núi cao. Chắc chắn là có nhiều lối khác để đi tới đỉnh núi. Chúng tôi chỉ có hy vọng là dẹp một mớ sỏi gai, để thấy bóng dáng đỉnh núi…”. Song, điểm khởi đầu là công cuộc Nam tiến của cư dân Việt thế kỷ 16,17 đã cho thấy người viết phải có quá trình tích luỹ, dày công lật lại cả một vùng dân cư văn hóa đặc sắc Phù Nam, Óc Eo… Ông đã phân tích và chỉ rõ những lý do khiến vua chúa Việt Nam thúc đẩy việc khai hoang, đó là: 1/ Mở rộng địa bàn thống trị, đất rộng, dân giàu thì kinh đô được bảo vệ chu đáo hơn, 2/ Thuế điền và thuế đinh gia tăng nhanh chóng, 3/ Nạn đói kém được giảm thiểu, nơi này thất mùa, nơi kia bù lại, ít có nguy cơ nội loạn, 4/ Dân số tăng gia, thêm lính tráng, thêm dân xâu. Ngược lại, về phía dân chúng, khẩn hoang là việc tích cực, không phải là hưởng thụ, thụ động, chờ thời vận.
Cũng trong cuốn sách, tác giả đặc biệt quan tâm đến các vấn đề nổi cộm trong thời kỳ thực dân Pháp tác động mạnh đến việc khẩn hoang ở miền Nam như: tình trạng xáo trộn gia cư và tài sản; vấn đề lưu dân ở Sài Gòn; luật về đất công thổ; tình hình các tỉnh dưới mắt người Pháp…Sách khái quát việc khai khẩn thời Pháp thuộc ở Nam kỳ qua những số liệu thống kê cụ thể, phần lớn từ tài liệu của viên chức Pháp soạn ra.
Khi người Pháp đến, những vùng thuận lợi có sông rạch đều biến thành ruộng rồi. Trong thời kỳ cai trị của người Pháp, việc quan trọng hàng đầu phải kể đến là đào kinh xáng ở những nơi có thể làm ruộng được, tạo đường giao thông chuyên chở, rút bớt nước lụt, nước phèn. Sách đã dành nhiều trang nói về sức ảnh hưởng to lớn của kinh đào trong bước đường lập nghiệp của người nông dân. Đặc biệt kinh xáng Xà No có thể coi là công trình lớn lao đầu tiên của Nam kỳ về đường thuỷ, có thể so sánh với việc thiết lập đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho: “Kinh Xà No đào từ 1901 đến tháng 7/1903 là xong, bề ngang trên mặt rộng 60 mét, dưới đáy 40 mét tổn phí 3.680.000 quan. Lần này, nhà thầu sử dụng loại xáng lớn chạy bằng hơi nước, với những giàn gàu bằng sắt. Máy của xáng mạnh 350 mã lực, mỗi gàu sắt múc được 375 lít, thổi bùn ra xa đến 60 mét… Vài chuyện khôi hài đã xảy ra: một số dân chạy theo xáng, dùng thúng mà hứng bùn để tìm vàng, nhưng chỉ gặp xương người và xương thú. Nhiều người cho rằng cứ “cắm dùi” là đất ấy về phần mình, vì mình đến trước nhứt…”.
Một trong những phong trào tranh đấu của trí thức Cần Thơ có tầm ảnh hưởng quy mô là phong trào Duy Tân do Gilbert Trần Chánh Chiếu cầm đầu. Lật lại những báo cáo với thống đốc Nam kỳ của các viên chủ tỉnh ở Cần Thơ, tác giả Sơn Nam đã đưa ra những chứng cứ thuyết phục về tinh thần dân tộc của người Việt. Báo cáo năm 1910 – 1911 thú nhận: “Không có cuộc biến loạn, không có sự bộc lộ cụ thể nào xảy ra. Tuy nhiên dưới bề ngoài yên ổn này, ta nhận ra một cách dễ dàng là còn một phần của dân chúng – may thay số người này không đông đảo cho lắm – họ có thái độ đối lập và thài độ chỉ trích không nhân nhượng, tận gốc đối với tất cả những gì mà chánh quyền, những gì xuất phát từ phía người Pháp” (…) “Gilbert Chiếu được toà xử miễn tố, vì vậy mà họ càng lẫy lừng hơn, còn lại một số người đồng loã trong vụ án cũng được miễn tố…”
Nếu Lịch sử khẩn hoang miền Nam giúp độc giả và những ai quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử dân tộc có cái nhìn hoàn thiện, chân xác về “những khoảng trống lịch sử trong bước đường mở nước và dựng nước” của người Việt thì Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam hướng bạn đọc đến những hoạt động tinh thần, tâm linh, đến những lễ hội truyền thống đậm màu sắc địa phương mang tính chất bảo tồn đời sống tinh thần. Sách gồm bốn phần chính : 1/ Lăng Ông bà Chiểu và lễ hội văn hóa dân gian, 2/ Nghi thức và lễ bái của người Việt Nam, 3/ Đình miếu và lễ hội dân gian, 4/ Người Việt Nam có dân tộc tính không?
Đặc biệt phần cuối được viết nhân cuộc tranh luận sôi nổi giữa một bên là những người chủ trương Âu Mỹ hóa mọi sinh hoạt cuộc sống ở Việt Nam với một bên là những người đấu tranh bảo vệ nền văn hóa dân tộc, chống đối lại sự xâm lăng về văn hóa của chủ nghĩa thực dân mới diễn ra ở Sài Gòn nửa cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Nhà báo Vũ Oanh khi đọc sách đã viết: “Với truyền thống hàng ngàn năm văn hiến, văn hóa dân gian vẫn trường tồn cùng lịch sử dựng nước và giữ nước, là vũ khí đấu tranh độc đáo, chống lại sự đồng hóa của các thế lực xâm lược, luôn phát huy và giữ được nét bản sắc riêng. Cùng với công cuộc đổi mới, mở cửa nền kinh tế, việc bảo tồn và phát huy vốn quý của các di sản văn hóa tinh thần của dân tộc ta đang là vấn đề hết sức bức thiết, đảm bảo cho công cuộc phát triển toàn diện của đất nước hiện tại cũng như lâu dài. Cuốn Đình miếu và lễ hội dân gian của nhà văn – nhà khảo cứu Sơn Nam sẽ góp phần vào việc giới thiệu những di sản văn hóa tinh thần trên, là tài liệu tham khảo bổ ích cho việc nghiên cứu, cho các nhà trường, thư viện và cả những người Việt Nam ở nước ngoài muốn tìm hiểu truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam”.
Trong sách này, độc giả có thể tra cứu một cách chính xác nguồn gốc, biến sự, nghi thức của lăng Ông bà Chiểu – một trong những chốn thiêng liêng bậc nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống tâm linh người dân Nam Bộ. Từ Tả quân Lê Văn Duyệt tới lăng ông bà Chiểu là sự chuyển hóa lớn về mặt tâm lý xã hội. Nhiều người tỏ ra thiếu cảm tình khi nhớ đến một công thần nhà Nguyễn lại chống vua nhà Nguyễn nhưng dường như thấy mình gần gũi với Ông khi đi ngang qua miếu thờ, phần mộ, cổng Tam quan… Cũng rất ít người biết rằng: trong miếu lăng Ông từ xưa, ngoài ông bà Lê Văn Duyệt còn có thờ hai vị thần khác là Phan Thanh Giản và Tổng trấn Bắc thành Lê Chất.
Ở phần cuối sách, tác giả đưa ra “Những đề tài về cá tính miền Nam” khá đặc sắc và thú vị. Theo Sơn Nam, “cá tính miền Nam không phải là những nét trừu tượng… Không có “người Việt miền Nam” mà chỉ có người Việt Nam. Cuộc di dân vào Nam là do dân Việt thực hiện… Việc khai hoang ở Đồng Nai và đồng bằng Cửu Long là thành tích chung của người Việt Nam chớ không có một sắc dân “Người Việt miền Nam, người Nam kỳ” nào riêng biệt. Người Việt cư ngụ ở Bắc hay Trung phần có quyền hãnh diện và chịu trách nhiệm tinh thần về điều hay điều dở của người Việt cư ngụ ở miền Nam”. Tựu trung, “cá tính miền Nam” là kết quả của sự giao thoa và tiếp biến giữa bản sắc Việt với ba nền văn hóa lớn là Khmer, Trung Hoa và Pháp.
(theo vietnamnet)