Việt Nam là một nước có điều kiện thuận lợi sản suất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất các cây đặc sản nhiệt đới có giá trị như: Cà phê, chè, bông, mía, hồ tiêu, lạc, hạt điều, cam, quýt, vải thiều, nhãn, chuối… và các loại rau, hoa… trên các vùng đất cao, trung du và các vùng đồng bằng trải rộng trên khắp mọi miền của đất nước.
Những năm gần đây, khi kinh tế Việt Nam chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường với sự hòa nhập ngày càng tăng vào kinh tế khu vực và thế giới, diện tích cây trồng cạn đã tăng nhanh và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng trồng trọt nhất là tỷ lệ xuất khẩu. Trong 10 năm qua, sản xuất cà phê tăng 20 lần, chè 1,8 lần, hạt điều 11 lần… Khi đã chuyển mạnh sang nền sản xuất hàng hóa với mục tiêu “làm để bán” thì những yêu cầu tất yếu để đạt được là năng suất cao, sản lượng phải ổn định, chất lượng sản phẩm tốt và giá thành phải hạ để có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế (uốn khắc nghiệt và luôn biến động), xuất phát từ yêu cầu đó nhiều công ty, trang trại, tập đoàn sản xuất và hộ gia đình nông dân đã tăng cường đầu tư kỹ thuật trong thâm canh tăng năng suất cây trồng, trong đó một khâu canh tác quan trọng hàng đầu là tưới nước đã được đặc biệt chú ý do hiệu quả tưới nước cho cây trồng cạn công nghiệp rất cao và thuyết phục. Kết quả tưới cho chè ở Thái Nguyên cho lợi nhuận thuần gấp 2 – 3 lần so với không tưới. Trại thực nghiệm mía đường Bourbon – Tây Ninh cho nặng suất đường giữa mía có tưới và không tưới chênh nhau từ 1,2 – 4,6 lần. Nhiều vùng cà phê được tưới với kỹ thuật và chế độ hợp lý đã cho năng suất ổn định 4 tấn / ha (tăng 4 – 5 lần). Những trang trại vải thiều ở Lục Ngạn – Bắc Giang và Hải Dương đã đạt thành công lớn trước tiên nhờ được tưới nước. Tuy nhiên, sự phát triển tưới nước cây trồng cạn còn chậm, mang tính tự phát, thiếu cơ sở khoa học và đầu tư kỹ thuật như hiện nay, đã hạn chế nhiều đến năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm các cây trồng công nghiệp, không đáp ứng được các yêu cầu của sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng.
Nghị quyết của Chính phủ số 09/2000/NQ – CP ngày 15 tháng 6 năm 2000 về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã nêu rõ “… để phục vụ mục tiêu trong 10 năm tới, về cơ bản, hoàn thành đầu tư phát triển thủy lợi phục vụ yêu cầu tưới, tiêu nước đối với các cây trồng có giá trị kinh tế cao… Phải đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng rộng rãi công nghệ tưới tiết kiệm nước như: tưới phun, tưới nhỏ giọt, tưới thấm… cho các loại cây trồng cần thiết ở các vùng sinh thái thích hợp.”
Trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có chỉ thị số 66|2000|CT|BNN- KH nêu rõ “cần chuyển mạnh đầu tư thủy lợi phục vụ tưới cho các cây cà phê, chè, mía, lạc, thuốc lá… và các cây trồng cạn khác”.
Để góp phần thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ thị nêu trên của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT thì việc xác định và thực hiện tưới, tiêu nước hợp lý cho các cây công nghiệp và cây trồng cạn có ý nghĩa thiết thực nhằm góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm và phát triển nông nghiệp.
Vì vậy cuốn sách “Kỹ thuật tưới tiêu nước cho một số cây công nghiệp” được xuất bản giới thiệu với bạn đọc để áp dụng trong thực tế.
CÁC TÁC GIẢ