Qua nghiên cứu và thực tế sản xuất, các nhà khoa học cũng như nhiều nông dân đều cho rằng : Trồng lúa chỉ đủ tay làm hàm nhai”. Có nghĩa là hiệu quả kinh tế đem lại từ cây lúa không cao. Thật vậy, những cuộc điều tra gần đây cho thấy, trên cùng một đơn vị diện tích, nếu vườn được thiết kế và nuôi trồng một cách hợp lý, thì hiệu quả kinh tế của vườn thường rất cao so với ruộng (5 – 7 lần). Như vậy để nâng cao đời sống, chúng ta phải phát triển diện tích vườn, nhất là trống các loại cây công nghiệp có khả năng xuất khẩu.
Cây cacao trước đây không được chú ý lắm vì khâu chế biến và một số sâu bệnh chưa được giải quyết. Gần đây cây cacao được chú ý nhiều hơn vì đó là một mặt hàng xuất khẩu mới, khi phát triển không cần gia tăng diện tích mà chỉ đưa vào trồng xen trong vườn, để cải tạo vườn tạp, sử dụng đất vườn một cách triệt để, đem lại nhiều hiệu quả kinh tế lớn. Hiện nay đã có nhà máy chế biến cacao ở Quảng Ngãi. Bộ Nông nghiệp đã có kế hoạch mở rộng diện tích cacao ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên và ngay cả ở đồng bằng sông Cửu Long. Với đà đẩy mạnh công nghiệp chế biến các mặt hàng nông sản hiện nay, hy vọng trong một tương lai rất gần, hiệu quả kinh tế của cây cacao sẽ gia tăng gấp bội.
Cà phê và tiêu là hai mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu rất quen thuộc với nông dân. Hằng năm đã đem lại cho đất nước một nguồn ngoại tệ đáng kể. Tuy nhiên về mặt kỹ thuật trồng và bài trừ sâu bệnh, nông dân đang còn gặp nhiều khó khăn cần phải được giải quyết.
Sầu riêng là một cây có giá trị kinh tế cao, không những ở Việt Nam mà ngay ở các nước Đông Nam Á quanh ta cũng vậy. Thái Lan, Mã Lai, Inđônêxia hàng năm thu hàng triệu đôla Mỹ nhờ xuất khẩu sầu riêng và diện tích trồng sầu riêng của họ không ngừng gia tăng. Ở ta tuy sầu riêng chưa được xuất khẩu, nhưng đây là một loại cây ăn trái có giá trị, rất được ưa thích, mức cung chưa đáp ứng được mức cầu, nên sầu riêng đã đem lại lợi nhuận rất cao cho người trồng. Hy vọng trong tương lai gần, khi sầu riêng ở nước ta trở thành một mặt hàng xuất khẩu thì giá trị của nó sẽ càng cao hơn.
Để góp phần phát triển cây cacao, cà phê, tiêu, sầu riêng, chúng tôi biên soạn tập tài liệu này, hy vọng giúp nông dân giải quyết một phần nào các khó khăn gặp phải.
Trong quá trình biên soạn chắc chắn không thể tránh khỏi các thiếu sót. Mong bà con nông dân thông cảm và vui lòng góp ý. Xin cảm ơn.
Nhóm tác giả