Hồ Chí Minh, kể từ ngày 2-9-1945 là những “bí ẩn” mà những người nước ngoài hàng mấy chục năm qua luôn tìm cách giải mã bởi những điều “không thể” đã thành hiện thực ở một nhân vật kiệt xuất của một đất nước nhỏ bé bên bờ Biển Đông. Số lượng người nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những cuốn sách, bài viết về Bác của các tác giả nước ngoài đến nay vẫn chưa thể xác định được chính xác. Theo thống kê chưa đầy đủ đã có trên 200 tác phẩm và các công trình nghiên cứu, hàng trăm tạp chí, hàng ngàn bài báo của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, triết học, tâm lí học, nhân chủng học, văn hóa học, các nhà thơ, các phóng viên của các tờ báo lớn trên thế giới… viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhưng bao trùm lên tất cả những gì họ viết, chụp ảnh, quay phim hay nói về Bác thì vẫn là một sự khâm phục, ngưỡng mộ, kính trọng về một con người “Đại nhân, Đại trí, Đại dũng”. Ngày nay, tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trân trọng ghi vào các bộ đại bách khoa thế giới, trong các bộ từ điển danh nhân lỗi lạc của loài người. Người đã đi vào lịch sử hiện đại như là người khởi xướng cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa trong thế kỷ XX, một chiến sĩ cống hiến không mệt mỏi cho hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, một nhà tư tưởng, lý luận, nhà văn hóa đã kết hợp hài hòa những giá trị của văn hóa Đông – Tây, một nhân cách hoàn hảo với những phẩm chất vừa phi thường, vừa bình dị.
Cuốn sách Hồ Chí Minh – một người châu Á của mọi thời đại được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn sách tuyển chọn các bài nói và viết trong vô vàn bài nói và viết của lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các nhà chính trị – xã hội, các xã luận đăng tải trên báo, tạp chí của các nước, hồi ký, hồi ức của bạn bè trên thế giới, những người đã may mắn được sống, gặp gỡ và tiếp xúc với Bác Hồ. Qua những trang viết của bạn bè năm châu, một lần nữa chúng ta được “chiêm ngưỡng” vị lãnh tụ kính yêu của mình trong lòng nhân dân thế giới.