Giao đất Lâm nghiệp kinh tế hộ gia đình ở miền núi

Giao đất Lâm nghiệp kinh tế hộ gia đình ở miền núi

Giới Thiệu Giao đất Lâm nghiệp kinh tế hộ gia đình ở miền núi

Nông – Lâm – Ngư là ba nghề chính gắn bó từ ngàn đời nay với nhân dân ta, có ý nghĩa to lớn trong nền kinh tế xã hội Việt Nam. Nhằm đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp, tạo điều kiện cho các hộ nông dần mở rộng và nâng cao hiệu quả của sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, Nhà nước đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp lý quan trọng:

Luật Đất đai (mới) đã được Quốc hội thông qua (1993). Các Quyết định số 72/HĐBT (1990) về một số chủ trương chính sách cụ thể phát triển kinh tế – xã hội miền núi; Quyết định số 327/CT (1992) về một số chủ trương chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước; Chỉ thị số 525/TTG (1993) về một số chủ trương biện pháp tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội miền núi; Nghị định số 13/CP (1994) về công tác khuyến nông (bao gồm cả khuyến lâm và khuyến ngư); Nghị định số 02/CP (1994) về giao đất lâm nghiệp… Hệ thống văn bản đó là những yếu tố cơ bản để tổ chức và triển khai hoạt động khuyến lâm nhằm góp phần thúc đẩy nền kinh tế lâm nghiệp xã hội nhiều thành phần cùng phát triển, tạo cục diện mới về phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, nhất là tại các tỉnh miền núi.

Trong nhiều năm qua, ngành Lâm nghiệp và các đơn vị thuộc ngành Lâm nghiệp đã thực hiện: tuyên truyền, vận động và tổ chức nhân dân tham gia thực hiện “Tết trồng cây” do Bác Hồ khởi xướng (1959; Hỗ trợ vật tư kỹ thuật để nhân dân trồng được hàng trăm triệu cây phân tán mỗi năm; Thông qua chính sách giao đất giao rừng, cho đến năm 1992 đã giúp 800.000 hộ nông dân có trên 1 triệu ha để phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, lập trại rừng, vườn rừng…

Song công tác khuyến lâm là một hoạt động còn mới trong sản xuất lâm nghiệp, nên từ tổ chức đến chỉ đạo thực hiện còn nhiều lùng tùng. Đặc thù của sản xuất lâm nghiệp là chu kỳ kinh doanh dài, lâu thu hồi vốn, địa bàn hoạt động ở vùng núi, canh tác trên đất dốc, cơ sở hạ tầng, đường sá ít, giao lưu hàng hoá khó khăn, kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí chưa cao… những vấn đề này ngành Lâm nghiệp còn phải vừa làm vừa nghiên cứu giải quyết và gặp không ít khó khăn khi tuyên truyền phổ cập rộng rãi, do đó sự phát triển còn hạn chế…

Để có thêm tài liệu góp phần phục vụ sự nghiệp bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, chuyển mạnh hoạt động sản xuất lâm nghiệp theo hướng lâm nghiệp xã hội, Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam và Vụ Kế hoạch Bộ Lâm nghiệp đã tập hợp các cán bộ khoa học kỹ thuật trong và ngoài ngành biên soạn bộ sách khuyến lâm: “Kinh tế hộ gia đình ở miền núi”.

Năm 1994 xuất bản 4 cuốn theo các chủ đề:

1. Giao đất lâm nghiệp có sự tham gia tự nguyện của người dân

2. Sử dụng đất dốc bền vững;

3. Kỹ thuật gây trồng một số loài cây lâm nghiệp, cây nông nghiệp và chăn nuôi gia súc;

4. Những vấn đề cơ bản về quản lý kinh tế hộ gia đình.

Đây là những tài liệu cần thiết cho các chủ dự án lâm nông công nghiệp của chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc (327/CT); các nhà quản lý hoạch định chính sách lập kế hoạch, xây dựng dự án; cho các cán bộ khoa học, các cán bộ làm công tác khuyến lâm.

Đồng thời góp phần nâng cao dân trí, động viên các thành phần kinh tế và mọi người dân xây dựng nghề rừng nhân dân, bảo vệ rừng hiện có, gây trồng rừng mới, khai thác chế biến lâm sản, phát huy tác dụng của rừng đối với môi trường và tăng sản phẩm xã hội, tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống của các hộ nông dân sống ở miền núi.

Tôi xin cảm ơn các cơ quan và các cán bộ khoa học đã có nhiều đóng góp trong việc biên soạn và xuất bản bộ sách này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc và hy vọng các độc giả sẽ thu được nhiều điều hữu ích.

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 1994

GS. NGUYỄN QUANG HÀ

BỘ TRƯỞNG BỘ LÂM NGHIỆP

Đọc Online Giao đất Lâm nghiệp kinh tế hộ gia đình ở miền núi

Đọc Onine

Download Ebook Giao đất Lâm nghiệp kinh tế hộ gia đình ở miền núi

Exit mobile version