Không phải ngẫu nhiên mà Craig Hovey lấy con gián làm một trong hai nhân vật chính cho tác phẩm của mình. Nếu bạn biết rằng loài vật xuất hiện từ thời tiền sử này (trước khủng long khoàng 150 triệu năm và trước khi có tổ tiên chúng ta biết đứng thẳng và đi bằng hai chân khoảng … 300 triệu năm) có một bản năng sinh tồn mạnh mẽ, vượt qua mọi biến đổi khí hậu và địa chất khắc nghiệt nhất để sinh sôi nảy nở trên khắp mặt đất cho đến ngày nay, bạn sẽ hiểu vì sao tác giả lấy chú gián Gregory làm biểu tượng cho sức mạnh của tồn tại và bí quyết thành công trong cuốn sách.
“Chuyện của chú gián” là một câu chuyện ngụ ngôn sâu sắc nói về cách thức ứng phó với thay đổi, cho dù đó là thay đổi trước công việc hay trong cuộc sống. Câu chuyện bắt đầu vào một buổi sáng sớm, khi đó, Joseph, một quản lý cấp trung đang đau đầu với hàng loạt vấn đề cần phải giải quyết, cả trong công việc lẫn tình cảm, bất ngờ nhìn thấy một con gián trên bàn làm việc của mình. Sau khi thương lượng để không bị giết, con gián đồng ý hướng dẫn Joseph mười “nguyên tắc của loài Gián” để giúp anh đạt được thành công như mong muốn. Dù nhận được sự giúp đỡ bất ngờ từ chú gián thông minh, nhưng bản thân Joseph cũng đã cố gắng rất nhiều để có được kết quả như mong đợi. Đây chính là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến chúng ta: Mỗi người phải luôn nỗ lực cho mục tiêu mà mình đã đề ra, còn những yếu tố khác chỉ đóng vai trò hỗ trợ khách quan mà thôi.
“Mười nguyên tắc của loài Gián đều liên quan đến một thách thức quan trọng nhất, đó là việc đương đầu với những biến cố của cuộc sống. Làm thế nào để có thể tồn tại được ở mọi nơi, trong mọi điều kiện cũng như tiếp tục phát triển và tiến hoá lâu dài trong khi những sinh vật thông minh hơn, mạnh mẽ hơn lại bị diệt vong? Đây là một vấn đề mà loài người các anh rất ít quan tâm đến”. – Con gián nói.