Lâm Bưu chết ngày 12-9-1971. Trước khi chết, Lâm Bưu là một trong những lãnh tụ quân sự và chính trị hàng đầu của Trung Quốc. Lâm Bưu đã tạo được danh tiếng lẫy lừng trên chiến trường trong thời kỳ Trung-Nhật Chiến Tranh. Sau đó trong cuộc chiến Quốc-Cộng Trung Hoa, Lâm Bưu đã thắng những trận đánh quyết định, suốt từ Mãn Châu tới tận đảo Hải Nam, đuổi Tưởng Giới Thạch và đại quân Quốc Dân Đảng ra ngoài hải đảo Đài Loan.
Sau chiến thắng của phe cộng sản Trung Hoa năm 1949, Lâm Bưu được phong chức thống chế, một trong mười thống chế của hồng quân Trung Hoa. Tuy vậy vai trò của Lâm Bưu bị lu mờ trong suốt mười năm. Mãi tới năm 1959 Lâm Bưu mới tái xuất hiện trên chính trường Trung Hoa với chức bộ trưởng quốc phòng, thay thế thống chế Bành Đức Hoài. Năm đó trong cuộc đại hội đảng tại Lư Sơn, thống chế Bành Đức Hoài, bộ trưởng quốc phòng, đã viết một lá thư gửi cho Mao Trạch Đông, phê bình kế hoạch Bước Tiến Nhảy Vọt của Mao Trạch Đông là một sai lầm. Mặc dù Bành Đức Hoài thận trọng dùng những lời lẽ dè dặt khen ngợi trước rối mới dám chê, nhưng Mao Trạch Đông vẫn nổi giận, ép buộc đại hội đảng phải thông qua cái gọi là “Nghị quyết về tập đoàn chống đảng do Bành Đức Hoài cầm đầu.”
Rồi Mao cách chức bộ trưởng quốc phòng của Bành Đức Hoài, và sau này, trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hoá, họ Bành bị hồng vệ binh đấu tố và bị bỏ mặc chết trong bệnh viện vì bệnh ung thư. Kể từ ngày Bành Đức Hoài bị Mao Trạch Đông thanh trừng, ngôi sao của Lâm Bưu mỗi ngày một thêm sáng chói trên chính trường Trung Quốc. Năm 1966 Lâm Bưu được bầu vào chức phó chủ tịch đảng CS Trung Hoa, và đến năm 1969 thì được chỉ định làm người thừa kế Mao Trạch Đông. Như vậy vào lúc chết, Lâm Bưu được kể là người có quyền lực mạnh thứ nhì tại lục địa Trung Hoa, chỉ đứng sau một mình Mao Trạch Đông.
Thoạt đầu các tin tức về cái chết của Lâm Bưu được chính quyền Trung Quốc giữ rất kín như một bí mật quốc gia. Ngay cả các đảng viên cao cấp cũng không hề hay biết. Người ta chỉ nhận thấy một dấu hiệu bất thường là mười viên tướng tư lệnh các quân khu, được nhật lệnh của Bộ Chính Trị phải chuẩn bị đối phó với một trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra. Tuy nhiên nhật lệnh ấy không hề giải thích lý do, và cũng không có dấu tích gì liên hệ tới Lâm Bưu….