Giới Thiệu Văn Hóa Võ Hiệp
Từ “Võ hiệp” được dùng trong hai lĩnh vực: một là võ hiệp trong xã hội – lịch sử, hai là “võ hiệp” trong văn học.
Trong xã hội
Võ hiệp là võ sĩ tự do trong xã hội truyền thống Trung Quốc. Đặc điểm của họ là thường tế khốn phò nguy, lấy sức mạnh để diệt trừ bạo lực, không quan tâm đến chuyện sống chết.
Đoàn Ngọc Tài trong sách “Thuyết văn chú” đã giải thích: “Chữ “hiệp” vốn là chữ “giáp”, một chữ tượng hình người mang áo giáp. Có thể thấy “hiệp sĩ” tức chỉ kẻ sĩ mặc giáp, cũng tức là “võ sĩ”, Hiệp sĩ cũng là người coi thường sự sống chết, dám liều mình”.
Chữ “võ” chỉ việc can qua chinh chiến, nhưng nghĩa gốc của nó là “chỉ qua” (tức dừng chinh chiến). Có thể thấy hiệp sĩ mặc giáp cầm binh khí xông pha chiến trận để thực hiện hòa bình.
Từ “hiệp” xuất hiện đầu tiên trong sách “Hàn Phi Tử”. Thiên “Ngũ đố” (năm loại một) trong sách “Hàn Phi tử” viết rằng: “Nho lấy văn làm loạn phép, hiệp lấy võ phạm cấm”, “những kẻ ấy mang kiếm, tập hợp đồ thuộc, lập khí tiết để được nổi tiếng, vì thế mà phạm cấm lệnh của vua quan”; “cần loại bỏ bọn dân ương bướng không kính trọng bề trên, không sợ pháp lệnh. Vậy mà có kẻ lại dung dưỡng bọn du hiệp, cứ như thế thì nước không thể yên ổn được”. Trong thiên “Lục phản” (sáu điều trái ngược) Hàn Phi Tử [1] lại viết: “Những kẻ cầm kiếm giết người là loại dân hung bạo, nhưng người đời lại đề cao họ, gọi họ là kẻ sĩ dũng cảm cứng rắn. Những kẻ cứu sống giặc, che giấu bọn gian – đó là dân đáng chết, vậy mà người đời lại đề cao họ, gọi là những kẻ sĩ nghĩa hiệp.”
Từ những cứ liệu trên, có thể thấy võ hiệp đều là những người giỏi võ công, vân du bốn phương, chủ yếu làm việc ám sát, dám mạo hiểm, lại lấy việc chống lại pháp lệnh quan phương làm tiêu chuẩn giá trị; loại tiêu chuẩn giá trị ấy lại được sự khẳng định và tán thưởng của nhân dân tầng lớp dưới. Hàn Phi Tử đứng trên lập trường khắt khe khắc bạc của Pháp gia, chỉ trích họ vũ dũng hiếu sát, không coi trọng kỷ cương pháp luật, là một trong năm loại sâu mọt của quốc gia, cũng là một trong “sáu loại dân gian ngụy vô ích”. Rõ ràng trong con mắt của Hàn Phi Tử “hiệp” là một từ mang nghĩa xấu, có một khoảng cách khá lớn so với “hiệp” trong con mắt của người ngày nay.
Tư Mã Thiên không những là người đầu tiên viết “liệt truyện” về những người du hiệp và thích khách mà còn là người đầu tiên đánh giá một cách khách quan, công bằng về công lao và sai lầm của họ. Trong thiên “Du hiệp liệt truyện” sách “Sử ký”, ông viết rằng: “Những kẻ du hiệp ngày nay, việc làm của họ tuy không theo pháp lệnh, nhưng lời họ đã nói là chắc chắn, việc họ làm thì quả quyết, đã hứa tất giữ lời, không tiếc tính mạng để cứu người ra khỏi nguy khốn. Sau khi đã xông pha vào nơi nguy hiểm để cứu người, họ lại không khoe tài, coi việc kể ơn là đáng thẹn; như vậy thì xem ra cũng có nhiều điều đáng khen.” “Nếu xét về mặt công lao, giữ được lời đã hứa, thì có thể xem thường nghĩa khí của bọn hiệp khách được sao?”
Cách nhìn nhận về võ hiệp của người ngày nay là kế thừa “Sử ký”; như thể đã thấy nhận thức và kiến giải siêu việt của vị sử gia hơn hai ngàn năm trước.
Có người cho rằng, từ khi có sử đến nay vị hiệp khách đầu tiên là Tào Mạt, một viên tướng nước Lỗ thời Xuân Thu. Theo “Thích khách liệt truyện” trong sách “Sử ký”, Tào Mạt ba lần cầm quân nước Lỗ giao chiến với Tề đều thất bại, nước Lỗ bị ép phải cắt đất cầu hòa. Thế là tại hòa hội của hai vua Tề Lỗ “Tào Mạt cầm chủy thủ sấn tới trước Tề Hoàn Công, tả hữu của Hoàn Công không dám nhúc nhích. Hoàn Công hỏi: “Ngài muốn gì?”, Tào Mạt nói: “Tề mạnh Lỗ yếu, Tề xâm lăng Lỗ thật là quá đáng. Nay thành nước Lỗ đổ, đè xuống nước Tề, ngài hãy liệu đi”. Hoàn Công bèn hứa trả lại tất cả những đất đã chiếm của nước Lỗ. Được lời hứa ấy rồi, Tào Mạt ném chủy thủ, bước xuống đàn, ngồi vào vị trí của quần thần, mặt quay về hướng Bắc, sắc mặt không hề thay đổi, lời lẽ vẫn bình thường.”