Giới Thiệu Tùy Tưởng Lục
Ba Kim tên thật là Lý Nghiêu Đường, sinh tháng 11/1904 tại Thành Đô, Tứ Xuyên, có nhiều bút danh như Dư Nhất, Vương Văn Huệ…Năm 1920 ông vào học Trường Ngoại ngữ Thành Đô, đến năm 1923 thì ông bỏ nhà- một gia đình phong kiến- ra đi rồi vào học các trường trung học ở Nam Kinh, Thượng Hải.
Năm 1927, ông sang Pháp du học, tại đây ông đã xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay “Diệt vong” dưới bút danh Ba Kim. Từ đó, không mấy người còn nhớ đến tên thật của ông nữa…
Năm 1928, Ba Kim quay trở lại Thượng Hải để sáng tác và làm phiên dịch. Từ 1929 đến 1937, ông đã viết rất nhiều sách, trong đó đáng chú ý nhất có “Gia đình”, “Giấc mơ của biển”, “Ngày Thu giữa mùa Xuân”, “Manh nha”, “Tuyết”, “Cuộc đời mới”, Bộ ba tiểu thuyết tình yêu “Sương mù, Mưa, Điện”; các tập truyện ngắn “Phục thù”, “Tướng quân”, “Thần.Quỷ.Người”; các tập tản văn: “Hải hành tập ký”, “Nhớ lại”, “Đoản giản”.
Phong cách độc đáo và bút lực mạnh mẽ của Ba Kim đã khiến người ta kinh ngạc. Đại văn hào Lỗ Tấn đã ca ngợi Ba Kim là “Một nhà văn có nhiệt tình, có tư tưởng tiến bộ; một trong số ít nhà văn tốt có thể đếm được trên đầu ngón tay”. Trong thời gian này, Ba Kim còn đảm nhiệm chức vụ Tổng biên tập Nhà xuất bản Đời sống văn hoá, làm chủ biên một loạt sách như “Văn quý nguyệt san”, “Văn học tùng san”.
Sau khi cuộc chiến kháng Nhật bùng nổ, Ba Kim đã bôn ba khắp nơi tham gia kháng chiến và biên tập các báo “Gào thét”, “Cứu vong Nhật báo”, hoàn thành nốt hai tiểu thuyết “Xuân”, “Thu” trong bộ ba “Gia đình”, viết bộ ba tiểu thuyết “Kháng chiến” (còn gọi là Lửa), mấy tập truyện ngắn, mấy cuốn tản văn.
Thời kỳ cuối và sau khi kháng chiến thắng lợi, ông đã viết một loạt tiểu thuyết dài và vừa như “ Đêm lạnh”, “Phòng bệnh số 4”… là những cú đòn chí tử giáng vào chế độ cũ sắp sụp đổ.
Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, Ba Kim đã được giao các chức vụ quan trọng như Phó chủ tịch Văn liên TQ, Chủ tịch Hiệp hội tác gia TQ, Chủ tịch Trung tâm Bút hội, Phó Chủ tịch Hội nghị Chính Hiệp nhân dân toàn quốc các khoá 6,7,8,9…