Giới Thiệu Trên Sông Truyền Hịch
Hà Ân viết nhiều, và những tác phẩm của ông không có sự phân biệt lứa tuổi độc giả. Bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể tìm thấy bên trong những tác phẩm đó một phần để mà thích thú, nhất là nếu như độc giả đó biết yêu lịch sử của đất nước này. Những éo le ẩn sâu trong các quan hệ hôn nhân của dòng họ Trần, những xung đột quyền lợi chính trị giữa các chi, cả đến những bí mật của Tiệc rượu mo nang (một thứ vũ hội giả trang chỉ nhà Trần mới có) đều được Hà Ân viết thành những câu chuyện ngọt ngào và hấp dẫn đến kỳ lạ.
Chính lối viết của Hà Ân đã khiến cho mọi độc giả luôn có một cảm giác bâng khuâng khi gập sách lại. Tiếp theo luôn là câu hỏi: “Rồi về sau, nhân vật sẽ ra sao?”. Những câu chuyện cứ gối vào nhau, đan xen nhau, tuôn chảy mãi…
Điều đáng chú ý nhất trong cách viết của Hà Ân là sự hòa quyện thực sự của tính cách nhân vật với đặc trưng thời đại. Đó thực sự là một điều không dễ. Nếu ngòi bút nhà văn không được hỗ trợ bởi một kho hiểu biết thì tác phẩm lịch sử rất dễ rơi vào tình trạng phi – thời đại: “nếu thay tên nhân vật và triều đại, người đọc vẫn không thể nhận ra sự khác biệt”.
Nhưng, không thể thay được bất kỳ ai vào chỗ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và ông già chép sử Lê Văn Hưu trong một đêm uống trà bên chiếc bàn ghép bằng cán giáo gãy để bàn về sự thay đổi của con người trong chiến tranh. Không thể thay được bất kỳ ai vào mối tình éo le của ông Hoàng Bảy Trần Nhật Duật với cô Mơ hương Hoằng trong những ngày binh lửa. Không thể thay được bất kỳ ai vào chỗ ông già Màn Trò trách Trần Bình Trọng không dám tin các bô lão trong điện Diên Hồng nên đã hô “Đánh” trước cả các cụ. Và, mỗi khoảnh khắc đó, qua ngòi bút Hà Ân, đều hiện lên xúc động đến nao ngườ…”.