Giới Thiệu Trần Gian Người Đời
Chiến công đầu tiên của Ngô Quất bắt đầu bằng một phát minh độc đáo nhất thế kỷ này. Đó là một sáng kiến giết người rất ngoạn mục bằng cách treo cổ con người ta theo phương pháp “gầu sòng” để tiết kiệm đạn. Phương án “gầu sòng” được áp dụng rộng rãi trong vùng bởi nó mang một ý nghĩa sâu sắc về mục đích yêu cầu, tầm quan trọng của những cuộc xử tử những tên tội phạm. Nó thoả mãn được lòng căm thù, nó gây được ấn tượng mạnh khiến kẻ tử tù phải khiếp sợ. Loài người tất nhiên đã có rất nhiều phương pháp để trừng trị tội phạm, cho phạm nhân lên giàn hoả thiêu, hay theo phương pháp tùng xẻo thời trung cổ, “tùng” một cái “xẻo” một nhát theo nhịp trống. Như thế cũng đã ghê. Nhưng Ngô Quất cho rằng phương pháp “gầu sòng” của mình có hình ảnh nghệ thuật hơn, dữ dội hơn. Nếu chỉ đem bắn thì quá đơn giản lại tốn đạn: “Đòm” một cái là chết, chẳng đau đơn gì. Phương pháp “gầu sòng” của Ngô Quất cũng chỉ là phương pháp treo cổ, nhưng nó đặc biệt hơn. Người ta dùng ba cây tre đực chụm đầu lại, gốc choãi ra giống như kiểu cắm sào để tát nước gầu sòng. Dùng một cây tre đực nữa để nguyên cả ngọn dài, đặt lên chạc ba làm cần bật. Ngọn cây trên cần buộc sợi dây bỏ thõng xuống đất khi nào được lệnh giật thật mạnh, ngọn cây tre cần bật tung lên, lôi thốc cổ phạm nhân treo lơ lửng trên không trung. Điều đáng nói là cái sáng kiến của Ngô Quất lại được áp dụng để xử tử chính bố đẻ ra y. Dụng cụ “gầu sòng” được kéo rê từ làng Gồi qua làng Bao và cuối cùng tới làng Nguyệt Hạ. Đấu trường làng Nguyệt Hạ xử tội người con trai độc nhất của lão Kình được dựng trên đám ruộng khô cạnh ao đình.
Mới bảnh mắt trống đã thúc liên hồi. Người lớn trẻ con ùn ùn kéo đến như thể xem đấu vật. Có chen chúc nhau người ta mới nhận ra xử tử theo phương pháp gầu sòng thuận tiện hơn, an toàn hơn xử tử bằng súng vì tất cả người xem được vây kín xung quanh tên tội phạm chỉ cách chân “gầu sòng” ba mét. Nghĩa là vòng trong thì ngồi, vòng ngoài đứng ai cũng nhìn rõ mặt tên tội phạm. Hôm qua, thấy bố Lưỡng và chú Học, chú Bất dựng đấu trường “gầu sòng”, cái Nga và mấy đứa trẻ trong xóm lại ngỡ làng sắp mở hội chơi đu. Lúc này cái Nga được ngồi vòng trong với mẹ, nó nhìn rõ thấy cái hố sâu người ta đào ngay dưới chân “gầu sòng”. Nét mặt ai cũng có vẻ căng thẳng. Nhất là vợ chồng lão Kình, cô Bông và anh em thằng Bức là những người trong gia đình kẻ bị treo cổ được ngồi riêng ra một chỗ sát chân “gầu sòng” cạnh cái hố. Lúc này cái Nga mới mang máng nhận ra cái hố chính là lỗ huyệt để chôn kẻ phạm tội. Kẻ phạm tội chính là bác Mùa. Bác Mùa là con trai lão Kình, là chồng cô Bông, là bố của anh Lạnh, anh Mát, thằng Bức. Thằng Bức là con út, chúa láu cá. Đã mấy lần nó lừa, bảo Nga nhắm mắt lại, nhằng một cái nó đã giật quần của Nga tụt xuống quá gối rồi bỏ chạy. Bố cái thằng, khốn nạn vậy. Lúc này thì bố nó đã bị bố Nga dong ra đứng trước cái thòng lọng. Chiếc thòng lọng khẽ đong đưa. Mặt trời đã lên cao. Nắng cứ rừng rực trên miệng lỗ huyệt.
– Treo cổ nó lên!
– Giết chết nó đi!
– Đả đảo thằng bán nước!
Mọi người xôn xao. Những tiếng hô căm phẫn vang lên. Bố cái Nga ngoắc chiếc thòng lọng vào cổ tên tội phạm rồi bước về phía chú Học, chú Bất đang bu vào sợi dây chuẩn bi tư thế chờ lệnh. Bố Nga vừa bám được vào sợi dây thì “tùng” một tiếng, trống lệnh vang lên. Bố Nga, chú Học, chú Bất vươn người bu vào sợi dây lấy đà giật thật mạnh, vít cây tre cần xuống. Trong tích tắc, chiếc thòng lọng xiết chặt lấy cổ tên tội phạm lôi thốc lên không trung theo sức bật của cây tre cần, giống y như người câu cá giật được chú cá khổng lồ bằng chiếc cần câu khổng lồ. Chiếc “cần câu” mềm dẻo bật lên rũ xuống theo quán tính, đầu tiên tội phạm nghẹo đi, cổ dài ra, người thẳng đơ nhún nhảy trên không được mấy nhịp bỗng dưng chiếc dây thừng trên tay bố Nga và chú Học, chú Bất bị đứt bịch một cái, cả ba người mất đà ngã ngửa ra đất. Cây tre cần tung gốc lên trời, tên tội phạm từ trên cao rơi uỵch xuống đất quằn quại bên lỗ huyệt. Tên tội phạm hồi tỉnh chợt đứng vụt dậy gào rú lên ôm choàng lấy thằng Bức. Thằng Bức hoảng loạn ôm lấy anh Lạnh và anh Mát.