Giới Thiệu Trăm Năm Trong Cõi
Ngót 25 năm qua, tính cho đến nay, trong thời gian công tác ở Viện Văn học và cộng tác với Hội Nhà văn Việt Nam, tôi đã có dịp tham gia vào các sinh hoạt kỷ niệm chẵn 100 năm sinh của một thế hệ nhà văn, nhà văn hóa mà tôi muốn gọi là Thế hệ Vàng của văn chương Việt Nam hiện đại. Gọi là Thế hệ Vàng bởi họ là những người có công đầu trong khai mở và hoàn thiện diện mạo hiện đại cho văn chương – học thuật dân tộc; được thể hiện một cách tập trung và nổi bật trong mùa gặt ngoạn mục thời kỳ 1930-1945. Một thế hệ có năm sinh từ thập niên cuối thế kỷ XIX, như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Hoàng Ngọc Phách… và kết thúc với những tên tuổi sinh vào năm 1920 như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Tô Hoài…
Với tên gọi Trăm năm trong cõi…, giới thiệu 23 tác giả, tôi mong muốn đây là cuốn sách giúp các thế hệ sau biết được một lịch sử hình thành và phát triển của văn chương Việt hiện đại; qua đó trước hết như một cách tri ân; và tiếp đó là chia sẻ với những khổ công, nỗ lực và thử thách, gồm cả những rủi ro, bất hạnh của một lớp người đi trước.
Để thuận tiện cho việc theo dõi, trật tự các tác giả được xếp theo năm sinh, với người cuối cùng ở cuốn sách này là Xuân Diệu, sinh năm 1916, còn hai năm nữa mới vào “cõi trăm năm”.
Đó là lý do: để đến với những tên tuổi kết thúc Thế hệ Vàng, sau tuyển này cần có tiếp những tuyển mới.
Hà Nội, 1/1/2014
Tác giả
TẢN ĐÀ VỚI NHU CẦU CANH TÂN VĂN HỌC
[1] Viết nhân kỷ niệm 100 năm năm sinh và 50 năm năm mất Tản Đà (24/5/1889 – 7/6/1939).
Tản Đà ra đi vừa chẵn năm mươi năm. Cùng với trên hai mươi năm hoạt động văn học, thơ văn Tản Đà có đến ba phần tư thế kỷ hiện diện, tuy có đậm nhạt, đứt nối nhưng vẫn được quán xuyến trong một niềm yêu mến và sống động trong những cuộc tranh luận của nhiều thế hệ độc giả. Bao nhiêu là biến động trong sinh hoạt chính trị, xã hội, cùng là bao nhiêu biến động trong đời sống văn học đã diễn ra trong thời gian ấy. Khía cạnh nổi bật trong những chuyển động đó là những nỗ lực của nhiều thế hệ để đưa nội dung yêu nước và chủ nghĩa anh hùng của dân tộc vào văn chương, để biến văn chương thành vũ khí cách mạng. Trên yêu cầu đó chúng ta đã dành sự quan tâm hàng đầu cho việc khai thác các giá trị của khuynh hướng yêu nước và cách mạng, từ Nguyễn Đình Chiểu qua Phan Bội Châu đến trào lưu vô sản những năm 1930 của thế kỷ XX, với đỉnh cao là văn thơ Nguyễn Ái Quốc, rồi Tố Hữu. Trên yêu cầu đó, cũng đã có lúc chúng ta hào hứng tìm tòi, đón nhận hoặc tranh cãi chung quanh cái tâm sự xa xôi, thầm kín của tình yêu nước qua Thề non nước nổi tiếng, hoặc trong hình ảnh những “bức dư đồ rách”… Nhưng thật ra cũng phải cho đến hôm nay, chúng ta mới thấy rõ, trong gia tài các giá trị tinh thần của dân tộc, câu chuyện cần bàn, đáng bàn đâu phải chỉ có duy nhất một sự chọn lựa: yêu nước hay không yêu nước, vô sản hoặc tư sản, cách mạng hoặc không cách mạng… Bên cạnh sự lựa chọn nổi lên hàng đầu ấy nằm trong yêu cầu cách mạng hóa của thời đại, nhằm giải phóng đất nước, mà chúng ta đã coi trọng một cách chính đáng, thì yêu cầu canh tân – đổi mới đất nước, và bao gồm trong nó là yêu cầu canh tân – đổi mới văn học, yêu cầu hiện đại hóa nội dung và hình thức, chất liệu và phương tiện miêu tả của văn chương cũng đã được đặt ra như một đòi hỏi khách quan của lịch sử, ngay từ đầu thế kỷ XX. Yêu cầu này thực sự đã đạt được một bước nhảy vọt đáng kể vào những năm 1920, đúng khi Tản Đà vào nghiệp văn; hay nói cách khác, Tản Đà đã đến đúng lúc để đón nhận và giải quyết yêu cầu này với tất cả ý thức tự nguyện và hết mình cho nghề nghiệp:
Bao nhiêu củi nước mới thành văn
…
Khi làm chủ báo lúc viết mướn
Hai chục năm dư cảnh khốn cùng
Từ những năm 1920 ấy, trải qua bao thăng trầm trong khen chê, đánh giá, cho đến hôm nay, trong khoảng lùi của thời gian và trong giao lưu với thời đại, để thoát ra khỏi sự phong bế ở những mức độ khác nhau, chúng ta càng thấy nổi lên vị trí của Tản Đà, nhà thơ của buổi giao thời hai thế kỷ, hơn thế, là người góp công chủ yếu khởi xướng một thời đại mới của thi ca. Chúng ta càng thấy rõ vai trò của Tản Đà, nhà thơ đã nhận vào mình sứ mệnh tiên phong đưa văn thơ ra thị trường, chuyển văn học thành tiếng nói của số đông, đáp ứng nhu cầu của một lớp độc giả mới trong các giới trí thức và trong đời sống thành thị – lớp độc giả rồi sẽ quy định bộ mặt và sự phát triển của sinh hoạt tinh thần con người trong thế giới hiện đại. Trên tất cả các thể loại văn học mà Tản Đà đã sử dụng, với hầu hết các thể thơ truyền thống – từ hát xẩm, phong dao, chèo thuyền, ca Huế… đến từ khúc, thất ngôn tứ tuyệt hoặc trường thiên…, rồi văn xuôi các loại, rồi tuồng, rồi thơ dịch…, trên khả năng tiếng Việt mà Tản Đà đã khai thác với công suất tối đa, để biểu đạt một nội dung phù hợp với nhu cầu của các lớp công chúng mới, Tản Đà đã để lại một loạt những bài, những đoạn, những câu thơ bất tử, gắn sâu vào tâm khảm bao nhiêu thế hệ bạn đọc, cho đến hôm nay. Có thể nói với Tản Đà, lần đầu tiên bạn đọc đến với văn chương không phải như đến với một người đứng cao hơn mình, những người từ những trọng trách, những chí lớn, những tầm cao để thách thức, để kêu gọi, để khuyến dụ, để chỉ giáo, để răn dạy… Bạn đọc đến với Tản Đà như là đến với một bạn thơ bình đẳng để trang trải hộ mình những nỗi niềm và suy tư, những ao ước và say mê, những băn khoăn hoặc thất vọng… Bạn đọc thấy ở Tản Đà sự tồn tại của thi ca như một nhu cầu bình thường, tự nhiên của sinh hoạt tinh thần và người làm thơ, các thế hệ nối tiếp của những năm 1930, thấy ở Tản Đà người khởi xướng, người mở đường cho một thời đại mới, thời đại được xác lập bởi những nhu cầu mới, và những mối quan hệ mới với công chúng độc giả.
* * *
Điều đặc sắc trong nội dung thơ văn Tản Đà là sự đi sâu vào cái tôi, là việc mạnh dạn, dũng cảm đưa cái tôi vào thơ văn. Trong rượu và say, trong những cơn sầu dài, trong câu chuyện lên tiên và hầu trời, trong các cuộc chu du vào quá khứ hoặc đến với các xứ sở xa lạ, trong cả những lo toan về cuộc mưu sinh không lúc nào không chật vật, trong những tự thuật, tự trào và tự thú về mình, Tản Đà đã đưa ra một cái tôi – chân dung cực kỳ thành thật, không xấu hổ, không che đậy. Bạn đọc đến với thơ Tản Đà để làm bạn, để chia sẻ, để tri kỷ với nhà thơ, một người lạ mà quen, cũng như đến với mình, đến với những ước nguyện, ham muốn và tự thú về mình.
Quả chưa có trong quá khứ một cái tôi nào được đưa lên vị trí cao, được phô ra nhiều góc cạnh và đào sâu vào nhiều tầng bậc như Tản Đà. Do sự trì trệ của phương thức sản xuất châu Á, chưa nói đến chủ nghĩa cá nhân, ngay cả ý thức về cá nhân trong lịch sử văn học ta cũng khó có dịp phô bày cho trọn vẹn. Kể từ Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh cho đến đầu thế kỷ XX, nó luôn luôn bị chèn lấn và có lúc khuất chìm đi trong cái cộng đồng mà nó phụ thuộc.
Cộng đồng giai cấp mà nó không được phép hoặc chưa có sức phá rào vượt khung như nhà thơ và ông quan đương chức hoặc về hưu Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến…