Giới Thiệu Tiếng gọi ngàn
Đó là một làng mênh mông xanh biếc trên sông Cửa Lớn, Năm Căn, cách thị trấn Cà Mau độ năm mươi cây số theo đường chim bay, nằm giữa những vùng quanh năm nước ngập, vẹt, đước ken dày trùng điệp. Dọc dài khúc sông Năm Căn từ Tam Giang qua Trại Lưới, đổ ra cửa ông Trang, đước mọc từ mặt nước theo lứa trái rụng, nổi ngọn từ bậc thấp lên cao ngất, như những nấc thang khổng lồ. Thuyền đi giữa dòng rộng hơn ngàn thước, nước băng băng chảy xiết, trông lên bờ như hai bức trường thành vô tận, đắp từng nấc màu xanh đọt chuối, xanh lá mạ, tím thẫm, mờ mờ trong hơi nước biển. Tỉnh Bạc Liêu ngoài lúa, cá, muối, trứng chim, trứng vịt, thơm (dứa), mật ong còn sản xuất than củi, cung cấp cho toàn Nam Bộ. ấy là than và củi đước vùng Năm Căn. Giữa rừng đước bao la, rừng mênh mông trùng điệp đó, đường Cà Mau như một con rắn hổ mây dài uốn khúc, phóng tới đầu ngã ba sông Năm Căn. Cuối năm 1945, giặc Pháp tái chiếm Nam Bộ, chiếm đóng Năm Căn, đốt đình, phá chợ, dỡ nhà gạch xây công sự, dựng lên đồn bót. Súng liên thanh, đại bác ngày đêm bắn ầm ầm vào rừng, trên sông đe dọa cả một vùng mũi Cà Mau. Những người thợ rừng, thợ biển vác búa rìu, cuốn lưới bỏ làng cuốn sâu vô “dớn” theo hàng ngàn con rạch ngang dọc chi chít như mông nhện. Họ nghiến răng chặt nát con đường giao thông độc nhất về Cà Mau, như chặt con rắn hiểm ác ra từng khúc để bảo vệ rừng, bảo vệ tôm cá. Bị du kích vây chặt, khắp nơi đánh mạnh, giặc rút chạy, bỏ Năm Căn cuối năm 1947 sau khi đã thiêu hủy tất cả.
Chúng chặt đầu, bắn chết năm sáu mươi dân chúng, ném xác xuống sông cho cá mập, cá sấu ăn. Năm Căn âm ỉ cháy trong mưa bấc, khói phủ trắng rừng như một giải khăn tang. Chợ Năm Căn mấy lần dựng lại, mấy lần giặc đều cho phi cơ đến ném bom đốt trụi. Tàu giặc ngày đêm vây các cửa sông, canh tuần hai mặt biển, bắn chìm mọi thứ thuyền bè chài lưới, trại đáy, xuồng câu. Phi cơ oanh tạc xục xạo đốt tất cả các lò than trong vùng, ngày nào cũng ù ù lượn trên sông bắn phá. Tôi đến Năm Căn làm mắm, mùa cá dứa năm 1952. Những cơ quan dân chính, bộ phận tự túc của bộ đội địa phương, các tiểu đoàn lưu động trong khu căn cứ, mùa nào cũng có người về đây “tự túc” cá khô, tôm khô, làm mắm tép, bắt ba khía, nấu nước mắm, hấp cá đối, chở hàng đoàn thuyền ăm ắp về ăn luôn năm, sáu tháng. Cán bộ nào về đó mà chẳng biết má Năm Căn. ít ai rõ bà tên gì. Trong xã cũng có nhiều bà mẹ chiến sĩ, muốn dễ phân biệt người ta gọi bà là bà má Năm Căn. Có lẽ bởi má thuộc về lớp người cố cựu nhất ở đây, và có uá tín nhất trong hội mẹ địa phương. Trời chưa tối hẳn. Từ các ngọn rạch, thuyền chài, xuồng câu tua tủa đổ ra sông lớn. Đèn đỏ chấp chới qua lại, quăng lưới dày đặc trên sông. Từng đoàn Ba khía: thuyền than, củi nối đuôi theo nước lớn, xuôi hướng Thới Bình, giọng nói thơ Bạc Liêu trong vắt, lan dài trên sông. Bao giờ hết đước Năm Căn ông Trang hết cá, Viên An hết rừng Khai Long hết xác cá đường Mũi Cà Mau đó, tao nhường cho bây! Tặng tăng tắng tẳng tăng tằng…