Giới Thiệu Thuốc mê
Cái cười hiền của Thâm Tâm
Diện mạo sự nghiệp văn học của Thâm Tâm (1917-1950) được khắc họa chủ yếu bằng thơ ca, dù số lượng tác phẩm để lại không nhiều. Thậm chí nói không quá lời, sự nghiệp ấy được định vị trong lịch sử văn học chỉ bằng một bài – “Tống biệt hành”. Hoài Thanh đã nói rất chính xác về sự riêng biệt của nó giữa hàng ngàn bài thơ của hàng trăm tác giả đương thời: “Điệu thơ gấp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi, gân guốc. Không mềm mại, uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ. Nhưng vẫn đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại”. Thâm Tâm xác lập chỗ đứng của mình trong dàn hòa ca Thơ mới bằng một giọng thơ “dương tính” như thế: bi phẫn nhưng vẫn ngạo nghễ, hiện đại mà vẫn cổ điển. Bài thơ của Thâm Tâm đi đến tận cùng những giằng xé nội tâm giữa một bên là nỗi niềm u uất, một bên là khát vọng giải thoát, giữa những trách nhiệm bổn phận và hoài bão cá nhân.
Con người văn chương của Thâm Tâm có lẽ cũng được biết đến nhiều qua giai thoại bài thơ – đáng được coi là một điển phạm của Thơ mới – bài “Hai sắc hoa ti-gôn”. Xung quanh bài thơ, nhiều tình tiết được đan dệt: Thâm Tâm được phán đoán như là nhân vật “người ấy” hiện diện trong bài thơ và thậm chí xa hơn nữa, chính là TTKH. – tác giả của bài thơ này. Những “nghi án” quanh bài thơ “Hai sắc hoa ti-gôn” đến giờ vẫn chưa được làm sáng tỏ song hình ảnh Thâm Tâm qua những giai thoại đã hiện lên như một chàng tuổi trẻ đa tình đắm đuối và sầu muộn – một mẫu hình cá tính đặc trưng của thời đại lãng mạn. Đặt Thâm Tâm của “Tống biệt hành” bên cạnh một Thâm Tâm được kiến tạo nên qua các giai thoại văn chương, dường như ta có cảm giác hình ảnh của ông trong lịch sử văn học là một hình ảnh đa diện, không dễ nắm bắt.
Thơ ca và giai thoại về Thâm Tâm làm nhiều người đọc bẵng quên mảng văn xuôi trong sáng tác của ông. Số lượng tác phẩm văn xuôi mà Thâm Tâm để lại cũng ít ỏi nhưng rất cần quan tâm bởi chúng cho ta nhìn thấy một góc khác của ông, thậm chí có rất ít mối liên hệ với mảng thơ ca. Trong ý nghĩa ấy, Thuốc mê (xuất bản lần đầu năm 1943) đáng được đọc lại để hình dung thêm về một Thâm Tâm đa dạng và đa diện. Ở tác phẩm này, người đọc có lẽ sẽ bất ngờ khi nhìn thấy một Thâm Tâm khác bên cạnh một ly khách bi phẫn trong “Tống biệt hành” hay một thư sinh sầu mộng qua những bài thơ sầu mộng liên quan đến hoa ti-gôn. Đó là một Thâm Tâm mộc mạc, dân dã, phảng phất sự khôi hài ý nhị.
Về mặt thể tài, Thuốc mê của Thâm Tâm có thể được xếp vào loại văn xuôi phong tục. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, bộ phận văn học này thường được coi là một nhánh của chủ nghĩa hiện thực nhưng nó không được chú ý nhiều bằng những tác phẩm tập trung vào việc phản ánh những xung đột, mâu thuẫn xã hội lớn, căng thẳng mà văn xuôi của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng… thường được nhắc đến như là những hiện tượng quan trọng. Tuy nhiên, mảng văn xuôi phong tục trước 1945 cần được nghiên cứu sâu hơn không phải chỉ vì sự phong phú về mặt số lượng tác giả, tác phẩm mà bởi góc tiếp cận đời sống có sự riêng biệt, sâu sắc. Gắn bó sâu sắc với đời sống thế sự, với văn hóa truyền thống, đặc biệt là con người và đời sống quê kiểng, văn xuôi phong tục có những phát hiện, khám phá thú vị về tâm lý, tính cách của người Việt thể hiện qua những sinh hoạt thường nhật. Chính từ đây, văn xuôi phong tục lại có thể nhìn thấy những “lịch sử nhỏ” phức tạp, tinh tế, nhiều hệ lụy trong đời sống mà nếu chỉ nhìn trên những biến cố lớn, “lịch sử lớn”, người ta sẽ rất dễ bỏ qua.
Thuốc mê của Thâm Tâm xoay quanh tập tục éo le của một ngôi làng miền Bắc áp đặt cho những cô gái đến tuổi lấy chồng trong làng. Theo tục lệ thờ Thành hoàng của làng – vốn là người đàn bà vì hận tình đàn ông đem đánh thuốc mê trả thù kẻ bạc lòng – mỗi năm, làng phải chọn lấy một cô gái đẹp, giả làm người đi buôn bán chợ xa, mang hai thứ thuốc mê và thuốc độc để bùa bả đàn ông thiên hạ trong thời hạn là 25 ngày. Sau 25 ngày ấy, nếu người con gái hoàn thành được nhiệm vụ trên mà không đánh mất trinh tiết, quay trở về làng, thì cô ta mới được phép lấy chồng là người làng mình; nếu không trở về đúng hạn hoặc làm hỏng việc thì làng sẽ cử một người đàn ông đi tìm để đầu độc cô gái ấy. Từ tập tục ấy, Thâm Tâm xây dựng nên một cốt truyện ly kỳ, kịch tính. Bố cục tác phẩm chặt chẽ theo kiểu cổ điển với các thành phần mở nút – phát triển – thắt nút – cởi nút. Nhưng điều đáng nói là từ phần phát triển, diễn biến của câu chuyện luôn có những khúc ngoặt, làm cho mạch truyện khó đoán cho đến tận kết thúc. Thâm Tâm, trên thực tế, chưa bao giờ viết kịch. Song nếu đọc một số bài thơ mang âm hưởng thể hành, đặc biệt là “Tống biệt hành”, có thể thấy kịch tính là yếu tố làm nên sự hấp dẫn của thơ ông. Trong Thuốc mê, màu sắc kịch tính cũng là yếu tố gây lôi cuốn đối với người đọc.
Nhưng có lẽ sức hấp dẫn lớn hơn cả khi đọc lại tác phẩm này sau một thời gian dài bị quên lãng nằm ở chỗ khác. Trước hết, nó đem đến cho người đọc một cảm giác hoài vọng không khí quê kiểng xa xưa, với những phiên chợ rộn rịp, cô hàng lả lơi, mẹ quê đáo để, trai làng yêng hùng, thầy đồ tinh quái… Không gian ấy, những nét tính cách ấy mang chất thuần Việt – một chất thuần Việt được khám phá từ tọa độ đời thường, ít được thi vị hóa, lãng mạn hóa, không được cường điệu như ta thường thấy trong thơ lãng mạn hay trong các diễn ngôn bản sắc văn hóa vốn đang thịnh hành ngay tại thời điểm này. Tập tục được miêu tả trong Thuốc mê, thực chất, là hủ tục. Cái nhìn của Thâm Tâm có thái độ phê phán nhưng thái độ phê phán ấy lại không thể hiện bằng một giọng điệu tấn công hay giễu cợt như người ta có thể thấy trong văn chương Tự Lực Văn Đoàn hay trong các tranh biếm họa trên báo chí đương thời. Đó là tiếng cười khôi hài, ý nhị và khá duyên dáng, đặc biệt là trong những đoạn Thâm Tâm miêu tả căn bệnh tương tư của Giáp – nhân vật nam chính trong câu chuyện. Thứ thuốc mê của cô hàng tấm làm cho anh trai làng những tưởng có thể vì nghĩ đến nghĩa bạn bè mà dằn lòng lại hóa ra cũng không thành, ra ngẩn vào ngơ, loay hoay đến tội nghiệp. Cái thứ tình cảm tưởng như là do thuốc mê, thuốc lú tạo ra cuối cùng lại trở thành một thứ tình nghĩa khiến Giáp có hành động bất ngờ ngay ở những dòng kết thúc tác phẩm. Thuốc mê chưa hẳn là một thứ văn xuôi tâm lý nhưng tác phẩm này có những khám phá thú vị về tâm lý nhân vật, đặc biệt là về khí khái, hành xử, thể hiện cốt cách đàn ông trong xã hội truyền thống.
Thuốc mê giới thiệu cho chúng ta hình ảnh khác của Thâm Tâm. Một Thâm Tâm biết cười, cái cười tinh nhưng tình, hài hước mà vẫn độ lượng.
Trần Ngọc Hiếu