Giới Thiệu Thú Chơi Sách
Ông đưa cho tôi xem cuốn sách Souvenirs de Hue (Kỷ niệm về Huế) bằng tiếng Pháp xuất bản năm 1867 của Parchichel viết về những kỷ niệm của ông ta với Huế. Hơn 140 năm, cuốn sách đã nhuốm màu thời gian nhưng với ông, đó là một báu vật vô giá. Ông cho rằng: “Một cuốn sách quý trước hết phải có giá trị về nội dung, hơn nữa đó phải là bản in thứ nhất, thậm chí có chữ ký của tác giả hay số lượng in càng ít càng tốt”. Rồi những cuốn sách dạy chữ Hán, chữ Pháp như: Hán văn tân giáo khoa thư hay Ngũ Thiên Tự (xuất bản 1929) đều có trong kho sách.
Nhưng niềm tự hào của ông lại là những bộ sách, cuốn sách đánh dấu những mốc quan trọng của một sự kiện lịch sử hay xã hội như bộ cải cách ruộng đất, các triều đại lịch sử Việt Nam…
Ông sưu tầm sách theo chủ nghĩa rất hiệu quả, chẳng hạn những cuốn sách nghiên cứu về Chăm Pa, làng xã Việt Nam, người Hoa ở Việt Nam… sau khi dày công tìm kiếm, chúng được ông đóng bìa cứng, mạ chữ vàng óng ánh (đương nhiên ở trong vẫn hoàn toàn là bản gốc).
Niềm say mê sưu tầm sách hình như chưa đủ, ông Cảnh còn cóp nhặt cả những tờ báo mà tuổi đời của chúng còn lớn hơn tuổi đời của ông. Ông nói: “Sưu tầm sách đã khó, sưu tầm báo còn khó hơn nhiều, bởi báo người ta thường đọc một lần, chẳng ai lưu giữ lại làm gì”.
Ấy vậy mà trên giá của ông, người ta có thể thấy cả Gia Định Báo, tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt ra số 5-1890. Rồi những tờ báo có tiếng vang không kém như: Nam Phong, Phụ Nữ Tân Văn và cả bộ Viễn Đông Bác Cổ bằng tiếng Pháp có từ năm 1901 – 1986, Bộ Công báo của Bắc Kỳ bằng tiếng Pháp, Đông Dương tạp chí (ông có từ số đầu tiên) Nông cổ mín đàm (có vài tờ)…
Ông Cảnh tìm thấy một phần nguồn sách này là do các cơ quan thư viện thanh lý sách cũ. “Kể cũng buồn cười, như tạp chí Nghiên cứu Việt Nam xuất bản ở Pháp, nhừng năm 80 tôi đã nhờ cả đến Văn phòng Viện Viễn Đông Bác Cổ tìm giúp, nhưng không thấy. 13 năm sau, thì bất ngờ lại thấy nó trong một đống sách cũ nơi vỉa hè!”, ông Cảnh nói.
Nỗi niềm về một tấn sách
Sưu tầm sách cũ, ngoài vốn kiến thức rộng lớn về khoa học xã hội, là công việc dành cho người có đức tính chịu khó tìm tòi và nhẫn nại. Ông kể: “Nhiều người hỏi tôi có khoảng bao nhiêu đầu sách? Câu hỏi làm tôi rất khó trả lời. Quả thực là tôi không thể nhớ, chỉ áng chừng một tấn sách”.
Cả tầng ba căn nhà đã trở thành chốn riêng tư tôn nghiêm của ông Cảnh. Ông Cảnh trầm ngâm như thể nói một mình: “Khi người ta nhiều tuổi, thường nghĩ nhiều đến quá khứ, với tôi là sách. Dù những cuốn sách cũ chữ in rất mờ, trên giấy đen sì, đọc mãi mới hết một trang!”.
Ông là Phan Trác Cảnh vốn là giảng viên Khoa văn Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia). Sau khi nghỉ hưu, ông dành thời gian cho việc “nâng cấp” kho sách của mình.