Giới Thiệu Thoát Ly
Trong xã hội mẫu quyền ấy, loại ký sinh trùng là những bà mối. Các mụ mối của Khái Hưng, thường tên là bà Hai, có tính đồng cốt, tú bà. Họ là loại trung gian, một thứ vi khuẩn ăn bám vào hủ tục buôn con bán cái của xã hội. Với những mánh khóe gian hùng, xui nguyên dục bị, họ thao túng thị trường cưới gả trong những gia đình quan lại.
Những người cầm quyền là các bà Án, bà Phán, thường góa hoặc nếu còn chồng thì cũng là loại đàn ông nhu nhược, đã bị truất quyền. Họ là sản phẩm một chế độ gia truyền: bị mẹ chồng hành hạ bèn trả đũa lên đầu con dâu. Dốt nát, tham lam, hủ lậu nhưng có quyền. Sống trong vòng đạo đức, luân lý giả tạo, họ đi từ vị trí nạn nhân để trở thành thủ phạm, bằng cái vỏ nho giáo mà họ quấn vào người mà chẳng biết thực chất nó là cái gì. Cái vòng luẩn quẩn ấy chỉ có thể mở được nếu người phụ nữ có ý thức về cá nhân và xã hội: Hồng trong Thoát ly không “thoát ly” được hoàn cảnh mẹ ghẻ con chồng vì không hiểu và không có khả năng tự lập, Hồng muốn dựa vào một kẻ khác (lấy chồng) để thoát ly gia đình và khi các dự tính lấy chồng của Hồng đều bị bà dì ghẻ phá đám, thì Hồng chịu. Phương cách thoát ly của Hồng chỉ là tạm bợ và ỷ lại, thoát cửa này để vào một cửa khác, bỏ sự lệ thuộc này để mua lệ thuộc khác. Hồng chưa thật sự tìm đến cối rễ nỗi đau của mình: nỗi đau lệ thuộc.
Khái Hưng đã chỉ ra cái tác hại của nữ quyền trong tay những kẻ dốt nát, trong hệ thống gia đình thủ cựu và đồng thời ông còn đề nghị một quan niệm mới về hôn nhân.
Hạnh phúc không nhất thiết phải đi tới hôn nhân.