Giới Thiệu Thằng Luyến
Thị xã đã hoàn toàn thay đổi. Mới chưa đầy ba năm, mà tưởng chừng dâu biển qua đây hàng mấy thế kỷ. Trên hoang tàn của gạch vụn, ngói nát, rêu cỏ mọc xanh um, người ta đua nhau xây dựng lại những căn nhà lá, sống tạm bợ. Chiến tranh còn đó, đã hết đâu. Thành ra, dân chúng vùng Pháp tạm chiếm đóng đêm vẫn nghe tiếng súng nổ ran, bên kia sông Trà Lý; ngày vẫn nhìn xe căm nhông xám xịt chở lính viễn chinh từ Nam Định sang. Không khí ngột ngạt sáng tối. Và, nỗi lo sợ căng thẳng. Tháng 5, 1950, Pháp nhẩy dù xuống cánh đồng Lạc Đạo, gần khít An Tập, rồi tiến nhanh qua Phụ Dực, Quỳnh Côi. Chắc mặt trận bên đó nặng lắm. Phi cơ Pháp đã rải truyền đơn đe dọa: Quỳnh Côi, Phụ Dực ra tro, Đống Năm, Trực Nội ăn no đạm đồng. Nỗi lo sợ muốn đứt tung. Chỉ mấy tháng đầu. Tình hình có vẻ im lặng trở lại. Như chính phủ Bảo Hoàng lẽo đẽo mang Bảo Chính Đoàn và các cơ cấu cai trị của mình theo Pháp lập quyền bính, người hồi cư cũng vững bụng về tề. Mỗi lúc, một đông.
Người về trước, thường là dân 12 phủ huyện, không phải dân thị xã, đã làm nhà cửa bừa bãi trên đất Vọng Cung, bệnh viện và trường học. Phố chính có ba nơi quan trọng, dân hồi cư choán hết. Chỉ ba nơi đó tuyệt tích, đã đủ nói lên cảnh tượng thương hải biến vi tang điền. Dinh tổng đốc biến thành nơi cư ngụ bên ngoài, chợ búa bên trong. Nhà thương biến thành chỗ buôn bán. Trường học biến thành xóm điếm. Trường Monguillot cao quý ngày xưa đã là chốn chơi bời của lính viễn chinh ngày nay. Dân thị xã giầu sang tản cư đã không chờ hôm nay mới hồi cư. Họ lén lút vào Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng từ 1947, giã biệt Thái Bình tiêu thổ kháng chiến. Nhà sách Mậu Hiên, mà cái bảng hiệu bị xi măng cốt sắt chôn vùi, đã nhường chỗ cho Đông A, Học Hải ngoi lên. Hiệu bánh Con Rồng của bà Hanh Tụ đã bỏ rơi tết Trung Thu thị xã ngậm ngùi. Không còn bánh nướng, bánh giẻo và những con giống nữa. Những hiệu cao lâu của người Trung Hoa đã theo gió bụi cuốn đi, cùng với chủ nhân của nó. Dược sĩ Vũ Ngọc Anh về đâu rồi? Mà nay thị xã mới mọc một pharmacie dépositaire. Những người tài giỏi của Thái Bình đều vắng mặt.
Chính phủ Bảo Hoàng của vua Bảo Đại, vừa từ chức, hồi 19-8-1945, thà làm công dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ, lại nhận chức quốc trưởng của một nước nô lệ, năm 1949. Quốc trưởng Bảo Đại dấy động cuộc cách mạng giấy tờ. Lính Bảo An rồi Bảo Chính, mặc quân phục, khác hẳn lính lệ, lính khố xanh. Có nội các ra đời. Nội các nới rộng. Thủ tướng thao túng quyền hành. Quốc trưởng nằm tận Paris hóng mát, chẳng cần biết cái tâm sự của nước non. Thượng thư khoác áo bộ trưởng. Tổng đốc xuống hàng tỉnh trưởng. tri phủ, tri huyện lui gót về quận trưởng.
Tổng khởi nghĩa đã chôn vùi đầu óc thực dân của người Pháp. Thực dân Pháp khuyến khích tay sai của mình làm cách mạng. Họ bầy một thế chính trị, hỗ trợ cho quân sự: Cách mạng chống cách mạng. Vì thế, thời đại diện áo nhiễu dài, đeo mề đay chấm dứt. Bi cảnh mỏi gối quỳ mòn sân tướng phủ, thì vẫn còn. Miền Bắc đã ngoi lên sân khấu Tổng trấn Bắc Hà, Thủ hiến Bắc Việt. Miền Nam trưng bầy các Thủ tướng. Thủ đô bay tít, từ Hà Nội, vô Sàigòn. Đảng phái lừng danh nhất là Đại Việt, đã ngoan ngoãn vâng lời triều đình nhà Nguyễn, cúc cung phục vụ thực dân, coi chiến đấu như bát canh xuống. Cho nên, Pháp cho phép Đại Việt vùng vẫy. Xứ bộ miền Nam độc quyền ra đất Bắc, hiêu hiêu tự mãn. Nguyễn Ngọc Tân, ngồi ở căn nhà 48 phố hàng Ngang, nơi Hồ Chí Minh viết tuyên ngôn độc lập, xem mình trổ mã. Nguyễn Văn Hướng, lộng hành kiểu quốc gia trên lưng ngựa. Quan huyện miền Bắc, Nguyễn Hữu Trí, nhẩy vút lên ghế Thủ hiến. Thấy Đại Việt thua kém mình, mà hiển hách hơn mình, Việt Nam quốc dân đảng, của đảng trưởng Vũ Hồng Khanh, chơi nước cờ thời thế. Gặp may. Vũ Hồng Khanh được bổ nhiệm chức Bộ trưởng thanh niên, quên luôn các đồng chí Nguyễn Thái Học, Ký Con…, rơi đầu trên máy chém thực dân. Trong nghịch cảnh đó, dân vùng tạm chiếm sống một cổ ba, bốn tròng. Người ta vẫn gửi giấc mơ về kháng chiến. Thị xã Thái Bình, chẳng hạn.