Giới Thiệu Thần hổ
Người ấy không phải một người Mường. Nhưng họ hàng anh ta di cư lên ở huyện Thạch Thành đã khá lâu, nên dần dà, chịu ảnh hưởng của thủy thổ, của hoàn cảnh, của phong tục, người ấy cũng hóa ra Mường.
Tên anh ta là Lầm Khẳng. Đèo Lầm Khẳng.
Chả biết trước kia, ông tằng tổ khảo anh ta họ gì – xem trong gia phả nhà Lầm Khẳng chỉ thấy chép dòng họ anh ta vốn nòi người “dưới chợ”, – song vì đâu Lầm Khẳng mang một tính danh Mường, cái đó anh ta không rõ. Có kẻ bảo – kẻ ấy là ông nội Khẳng: họ Đèo xưa kia là họ Trịnh, – một chi nhánh họ Trịnh, – sau khi nhà Trịnh bị nạn diệt vong mà chúa Trịnh Khải cắt cổ tự vận, sợ quân Tây Sơn lùng bắt nên vội vã chạy vào Thanh Hóa, lên ẩn nấp trên miền thượng du, và đổi tên họ để khỏi lo hậu hoạn. Đấy chỉ là một lời phỏng đoán, song lời phỏng đoán đó có nhiều lẽ khiến ta phải tin là đúng sự thực. Sở dĩ gia phả họ Đèo không chép dòng họ đó là dòng quý phái, là họ Trịnh cải đi, bởi lẽ những tổ tiên Lầm Khẳng sợ có kẻ thù theo đuổi nã tróc, không dám lộ chân tính, phải giữ bí mật hòng bảo tồn lấy dòng dõi sau này.
Từ năm sáu đời nay, họ Đèo an cư lập nghiệp trên một chiếc đồi con, thuộc về huyện Thạch Thành. Chỗ đó phần nhiều là rừng núi, ít người kinh thành đến ngụ, chỉ toàn có dân Mường sinh hoạt mà thôi. Đáng lẽ Lầm Khẳng cũng theo ý chí tổ tiên, không bao giờ rời bỏ nơi đã chôn nhau của chàng, nhưng chàng hiện nay đang bị một kẻ thù độc ác dữ dội theo đuổi, chàng không thể yên thân được nữa, bất đắc dĩ phải bỏ làng lên tỉnh thành, nương náu hầu tránh cơn hiểm nghèo.
Nếu kẻ thù của Khẳng là người, thì chàng đã không sợ lắm, sức chàng khỏe mạnh và chàng lại thông minh, tự lượng mình có thể đối chọi với đồng loại được. Tiếc thay kẻ kia không phải là người, nó là một con vật, một con hổ đã thành tinh, mà dân huyện Thạch Thành kinh sợ như một vị thiên thần tái thế. Không nhà nào không đặt hương án thờ con hổ đó: người Mường nào cũng tin rằng hễ thờ nó, nó sẽ không làm hại đến và sẽ phù hộ cho làm ăn, cấy cày, được phát đạt dễ dàng. Mỗi năm bốn kỳ, họ mua trâu, dê, bò, lợn đem vào rừng cúng tế, rồi trói những con vật sống, bỏ nơi sườn núi vắng cho con hổ kia đến tha về tổ ăn dần. Tín ngưỡng của dân Mường, tuy vô lý, nhưng dựa vào kinh nghiệm: họ xét rằng, năm nào, vì sao nhãng, dân làng không cúng vái hoặc mua lễ vật biếu Thần hổ, năm ấy tự nhiên mất mùa và hay có thiên tai. Bởi lẽ đó họ thờ phụng con hổ sống kia như thờ một vị Thành hoàng, tuyệt nhiên không ai dám cả gan ngạo mạn hay láo xược với nó.
Họ tin rằng những con cọp thường là những vật “thiên lý nhĩ”, nghe được ngàn dặm, ai nói gì động tới chúng nó, chúng nó đều biết cả. Nhưng trời lại phú cho cái tật hay quên, hễ đụng tai vào một cành cây, vào một chùm lá, là quên hẵng hết, không nhớ gì nữa. Duy có Thần hổ thì không thế. Thần hổ hiểu hết, nghe hết, biết hết.
Ai nói gì động đến nó, nó báo thù ngay. Láo xược vừa vừa, thì nó bắt một con lợn hay một con bò cho biết tay; chửi rủa hay khinh nhờn nó quá, nó sẽ rình chờ, rồi cắn chết. Nó là một con hổ xám, da không vàng như da các con hổ khác. Nó lại to hơn các vật đồng loại, mình nó thì vằn trắng và đen. Trên trán có một bờm lông trắng xoá; hai mắt sáng quắc như điện, vuốt dài và rất nhọn, tiếng kêu lại lanh lảnh như chuông không trầm trầm và vẫn đục như tiếng gầm các hổ vàng. Đồn rằng tai nó thường vểnh lên lắng nghe thiên hạ bàn tán về nó; trong lỗ tai nó có hơn trăm vết đỏ; chứng rằng nó đã ăn thịt hơn một trăm người. Phần nhiều trong loài hổ, tục truyền rằng mỗi lần bắt được một người, trong tai lại có thêm một vết đỏ; con nào bình sinh gồm đủ được trăm vết, thì sẽ được thành tinh, và nếu có phúc phận, sẽ sống lâu đến vài trăm tuổi. Từ sắc vàng, hổ yêu sẽ thay lông ra sắc xám, khi nào sắc lông trắng toát, ấy là lúc được làm chúa các loài hổ trong rừng.
Lầm Khẳng, không may, là một kẻ thù của Thần hổ xám. Vì thế, chàng không dám ở lại Thạch Thành nữa, phải bỏ quê hương đi trốn nạn ở phương xa. Mối thù của Lầm Khẳng đối với con hổ xám, cũng như mối thù của quái vật ấy đối với chàng, là một mối tử thù, một mối thù “bất cộng đái thiên”. Nguyên nhân mối thù đó rất lạ lùng, bí hiểm.