Giới Thiệu Tạo động lực làm việc phải chăng chỉ có thể bằng tiền?
Một trong những câu hỏi mà các nhà quản lý luôn đặt ra là:
Làm thế nào để nhân viên của tôi làm việc tích cực, tập trung và tham gia vào các hoạt động nhằm đạt được những mục tiêu của doanh nghiệp?
Trên thực tế, không có một câu trả lời đơn giản cho câu hỏi trên, không có một phương pháp hay kế sách nào có thể áp dụng chung cho mọi trường hợp.
Vấn đề ở chỗ là con người bản chất vốn phức tạp và đa dạng. Với cùng một sự việc, người này có phản ứng tích cực trong khi người khác có thể có phản ứng tiêu cực.
Tuy nhiên, cũng có những phương pháp dường như có hiệu quả, và áp dụng được với hầu hết mọi người. Bạn càng hiểu rõ về người đang làm việc cùng mình thì bạn càng hiểu được mong muốn, nhu cầu và động lực của họ.
Cuốn sách này có bốn phần. Phần A định nghĩa các thuật ngữ và đặt nền tảng cho những phần sau. Phần B giới thiệu các thuyết “cổ điển” về động lực làm việc. Chủ đề được xem xét từ nhiều góc độ: nhu cầu của con người (Maslow); việc đánh giá đặc điểm của nhân viên của các nhà quản lý (McGregor); các yếu tố duy trì và các yếu tố tạo động lực (Herzberg); mối quan hệ giữa khen thưởng và động lực làm việc; động lực nội tại (Hackman và Oldham). Các thuyết này có thể làm cho bạn thấy “ngán ngẩm”, nhưng không nên vì thế mà bạn bỏ cuộc. Mục đích của phần này chỉ nhằm giúp bạn thấu hiểu những nguyên tắc có thể được áp dụng vào công việc.
Trọng tâm của Phần C là chủ đề “làm giàu công việc“– các phương pháp làm cho công việc thú vị hơn và khiến cho nhân viên hài lòng hơn. Phần này áp dụng các thuyết đã xem xét ở phần trước. Trong phần cuối cùng, Phần D, chúng ta sẽ cùng xem xét động lực làm việc của một nhóm trên quan điểm của người lãnh đạo.