Giới Thiệu Sống Mãi Với Thủ Đô
Cái toa cuối cùng của chuyến tàu Bắc đã len ra khỏi hàng rào địa phận nhà ga. Trần Văn nhìn theo cái khung vuông đen sẫm lại, nhoà đi. Chuyến tàu chở người mẹ bé nhỏ của anh về quê thế là đã rời Hà Nội. Trong lòng người con chưa hề xa mẹ lâu bao giờ có một sự trống rỗng đau đớn. Mấy ngày sắp chia tay, bà cụ lại đau mắt, ngụt ngoạt luôn, lúc nào cũng như khóc. Trong lúc hối hả thu xếp cho mẹ tản cư, anh quên khuấy không mua cho mẹ mấy lọ thuốc nhỏ mắt. Anh bứt rứt, môi mím lại, nước mắt rưng rưng. Anh bước về phía ga, nhưng rồi lại ngoảnh lại nhìn cái khoảng trống im lặng của hàng rào còn mù sương. Con tàu bây giờ đang chạy trên cái cầu cổng đục. Trong cái toa chật lèn như nêm cối, người mẹ với cái tay nải cũ, như lại trở về cái thời bán vải ngày xưa. Tai anh còn văng vẳng lời nói cuối cùng của mẹ: “Chú về nhớ. Vài hôm nữa yên hàn rồi đẻ lại ra”. Vài hôm nữa yên hàn? Mấy hôm nay, người Hà Nội tản cư rầm rập. Từ giã nhau, ai cũng nói cái câu đầu lưỡi ấy như để tin với nhau rằng những ý nghĩ tốt có thể chuyển dữ thành lành. Nhưng trong linh tính. Trần Văn thấy đây không phải là một cuộc chia tay trong dăm bữa nửa tháng. Giữa buổi tiễn đưa này và ngày gặp lại, có một cái gì mù mịt, xa lăng lắc, đầy những tai biến khôn lường. Anh càng thương mẹ, trong cái thương có lẫn nhiều cảm phục. Anh biết trong thâm tâm, bà cụ muốn anh cùng về quê. Chẳng có người mẹ nào muốn cho con chịu những thảm hoạ của chiến tranh. Nhưng bà cụ không ngăn anh vào tự vệ, và khi anh nói phải ở lại để chống giữ Thủ đô, mẹ chỉ dặn: “Cẩn thận đấy, chú ạ. Nhờ giời, Cụ Hồ điều đình được không phải đánh nhau thì là phúc nhất”. Ở đây, có cả cái tình của người mẹ chịu đựng chiều con, cả tấm lòng của một bà mẹ thấy việc con làm là phải và biết rằng nguy hiểm vẫn cứ phải để con làm.
Mẹ đi rồi, Trần Văn có cảm tưởng như đẩy mẹ vào một cuộc sống phiêu lưu. Gần đây, những tin tức về đồng bào tản cư không lấy gì làm tốt đẹp lắm. Đã có vài vụ cướp bọc dọc đường. Nhiều người tiền lưng hết lại phải lộn ra. Báo Cứu quốc đã đăng nhiều bài nói về việc tổ chức làm ăn lâu dài cho bà con tản cư để có thể trường kì kháng chiến. Mẹ anh, chân yếu tay mềm, sẽ làm gì mà sinh sống. Nhưng gay go nhất vẫn là vấn đề chiến tranh. Nếu nổ ra ở Thủ đô thì tức khắc nó lan rộng ra toàn quốc. Bắc Ninh, quê mẹ, toàn đồng ruộng, mẹ sẽ chạy đi đâu. Ai sẽ giúp đỡ mẹ? Anh thầm trách Liêm, trong lúc này, không hề có một bức thư. Anh càng ghét người anh ruột. Hồi thuộc Pháp, Liêm làm tri huyện. Sau tổng khởi nghĩa, Liêm về ở cái đồn điền của bố mẹ vợ ở Phúc Yên, luôn mồm chửi cách mạng. Mẹ không bao giờ ở với Liêm quá hai ngày. Mẹ thường nói Liêm đủ phú quý rồi, không phải lo cho nữa. Sự thật, mẹ không ở được với con cả vì vợ Liêm hợm của khinh mẹ chồng. Trần Văn không những ghét anh mà còn khinh nữa. Liêm học gạo, đào mỏ, đút lót để thi đỗ. Từ khi làm quan, Liêm chỉ nói những chuyện cụ Hoàng, cụ Vi, cụ Hà, mua đồn điền này, tậu nhà nhọ. Khó chịu hơn cả là thỉnh thoảng hai anh em gặp nhau, Liêm thường tỏ vẻ thương hại em lẽo đẽo theo cái nghề dạy học tư bội bạc. Mặc dầu ghét anh, nhưng trong lúc bối rối Trần Văn cũng có bàn với mẹ hay là hẵng tạm về Phúc Yên. Ít ra mẹ còn có người để nương tựa. Mẹ lưỡng lự mãi, cuối cùng nói: “Thôi, tao về Bắc. Tao có mấy mẫu các cụ để lại, tao chẳng phải nhờ vả vợ chồng nó”.
Chuyến tàu Phòng đầy ăm ắp người cũng sắp chạy. Tiếng còi rú một hồi dài thất thanh. Một cái đầu tàu đang phì phì chạy một mình dồn những toa còn đẫm sương đêm cho chuyến tàu Nam. Lấp loáng đèn xanh đèn đỏ. Sân ga Hàng Cỏ đông một cách khác thường, hơn cả những giáp Tết. Gió lạnh lùa dọc theo cái nhà cầu cao rộng. Trong buổi sáng mờ mờ, những đường ray rộng bát ngát vì không có nhiều toa che lấp như mọi khi. Phu khuân vác chạy tới tấp. Những chiếc xe sắt chở hàng lộc cộc trên nền gach, nhấp nhô trong cái khoảng nửa tối nửa sáng. Giữa nhà cầu và ở hai bên, người đứng ngồi đen đặc. Hàng hoá phần lớn là những va li, hòm xiểng, khác với ngày thường toàn là những gồng gánh, thúng mủng, bồ con bồ lớn, lồng gà rọ lợn của những người buôn xuôi bán ngược. Không có những tiếng nói ồn ào. Chỉ có nhưng tiếng to nhỏ, thiết tha, những lời căn dặn thủ thỉ, những tiếng gọi nhau lo lắng, mệt mỏi:
– Lại đây khéo lạc đấy, con.
– Về đến nhà, mợ viết thư ngay cho ngoài này con khỏi lo.
– Đừng có đi đâu nhé. Mũ đỏ nó cán chết người ở Hàng Bông đấy. Đừng có lên phố Tràng Tiền nữa. Gạo đấy, thức ăn đấy, cứ ở nhà con nhé.