Giới Thiệu Sát Thủ Bán Hàng
Động lực – Phương thức làm nên những điều kỳ diệu
Ngày nay, trước tình hình cạnh tranh khốc liệt, con người đang nâng hoạt động bán hàng lên một tầm cao mới. Bán hàng đã được mọi người công nhận là một nghệ thuật, nó đã vượt quá ngưỡng của một giao dịch mà đơn giản là anh sẽ bán còn tôi sẽ mua và chúng ta cùng ký. Hàng loạt biến đổi dẫn đến sự cạnh tranh không ngừng của các đối thủ nhằm bán được hàng cho càng nhiều khách hàng càng tốt, đồng thời nó cũng kéo theo việc khách hàng cảm giác như họ đang ngày càng bị “chăn dắt” nhiều hơn. Bán hằng ngày càng được coi là một cuộc đấu trí, một trò cân não đầy thú vị không kém phần kịch tính của cả bên bán lẫn bên mua.
Khách hàng thường có cái nhìn kém thiện cảm với những người bán hàng. Họ luôn cảm giác như mình đang bị lừa bởi mánh khóe của những tay bán hàng “xảo quyệt”, luôn chăm chăm đưa họ vào tròng. Tuy nhiên, trong Sát thủ bán hàng, bạn sẽ khám phá ra những khía cạnh khác về công việc bán hàng và qua đó sẽ có thiện cảm hơn rất nhiều với nghề đầy sức ép cũng như áp lực này. Sát thủ bán hàng vừa giống như một cuốn tiểu thuyết với lối hành văn rất… văn học thay vì những ngôn từ kinh doanh khô khan; vừa giống một cuốn cẩm nang chứa đựng những kỹ thuật bán hàng vô cùng thú vị bao gồm những màn đấu trí cân não, cách tạo mối quan hệ với khách hàng, cũng như những thủ thuật vô cùng sáng tạo của những nhân viên bán hàng.
Tuy nhiên, điều khiến cuốn sách Sát Thủ Bán Hàng mang lại giá trị sâu sắc chính là cách tạo động lực của cấp trên với cấp dưới, cũng như việc các nhân viên tự tạo động lực cho chính mình để thành công trong công việc. Những động lực khiến họ có thể làm việc quên mình, toàn tâm toàn ý với mọi tiêu đã đề ra. Như Archimedes từng nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng cả Trái đất lên.” Động lực cũng chính là một điểm tựa vững chãi để cho bất kỳ ai cũng có thể làm nên được điều kỳ diệu. Và sau tất cả những thương vụ, những cuộc chạy chỉ tiêu căng thẳng tột cùng, động lực chính là nguồn sức mạnh gắn kết mọi người và khiến họ coi nhau như những người thân yêu nhất.
Cuốn sách là câu chuyện hoàn toàn có thật được viết dựa trên những trải nghiệm của bản thân tôi trong suốt hành trình một năm cùng với nhóm nhân viên bán hàng xuất sắc của Xerox tại vùng ngoại ô Cleveland, bang Ohio. Tôi đã cùng thực hiện giao dịch bán hàng với họ, cùng tham gia những buổi họp nhân sự, cùng đi nghỉ với toàn thể công ty, theo họ về nhà, cùng ăn tối và thức thâu đêm lắng nghe những mẩu chuyện về những giấc mộng không thành của họ.
Khi viết cuốn sách này, mục tiêu của tôi là muốn viết nên một câu chuyện thành công của những người Mỹ. Tôi muốn kể một câu chuyện sống động về cách đạt được chỉ tiêu hằng năm của một người bán hàng hàng đầu cùng các thành viên trong đội của mình và những tác động của công việc tới đời sống cá nhân của họ. Với sự cho phép của Tập đoàn Xerox, tôi gần như không gặp bất cứ trở ngại lớn nào khi lắng nghe, quan sát và hòa nhập vào cuộc sống của họ.
Trong suốt thời gian tôi ở tại Cleveland, một cặp vợ chồng đã dần trở thành nhân vật chính trong câu chuyện của tôi: Fred và Kathy Thomas. Nhiều năm trôi qua, tôi nhận ra mình vẫn không ngừng bị ám ảnh và kinh ngạc bởi sự tương đồng giữa cuộc sống của cặp đôi này với một thời của tôi – cái thời mà tôi đắm chìm trong những số liệu kinh doanh, lượng đơn đặt hàng, thống kê tóm tắt doanh thu cập nhật hay các loại tỷ lệ phần trăm.
Khi tôi liên hệ với một số tập đoàn đề nghị viết một cuốn sách về cuộc sống của các nhân viên bán hàng xuất sắc, ngay lập tức, tôi được Tập đoàn Xerox hưởng ứng nhiệt tình và giới thiệu tôi tới Cleveland. Họ khẳng định với tôi rằng đó là một lựa chọn hoàn hảo bởi dưới sự dẫn dắt của Frank Pacetta, chi nhánh đó đã đạt được những kết quả doanh thu đáng kinh ngạc. Điều này khiến tôi vô cùng háo hức với việc tìm hiểu chi tiết về sự thành công đột phá tại đây.
Bản thân Tập đoàn Xerox là một huyền thoại về sự vươn lên đạt tới thành công. Họ đã có những bước phát triển vũ bão trong khoảng những năm 1960. Ngay sau khi Haloid phát triển thành Tập đoàn Xerox và bắt đầu tiếp thị một trong những sản phẩm thương mại thành công nhất trong lịch sử kinh doanh nước Mỹ – máy photocopy, các chủ sở hữu cổ phiếu Haloid đã nhanh chóng trở thành triệu phú. Ngay từ đầu, Xerox đã may mắn khi lựa chọn đầu tư và mạo hiểm đặt cược mọi thứ để theo đuổi công nghệ sao chép khô1– công nghệ đã bị mọi nhà đầu tư khác từ chối, bao gồm cả IBM. Phát minh này của Chester Carlson đã tạo nên một lượng cầu khổng lồ trên toàn thế giới về một sản phẩm mà bản thân con người cũng không hề biết họ cần nó tới vậy – một chiếc máy photocopy nhanh chóng và tiện lợi. Hiện nay, thị trường máy photocopy đã phát triển đến một mức độ không tưởng với tổng trị giá 80 tỷ đô-la doanh thu hằng năm. Thế nhưng, Xerox khẳng định thị trường hiện nay còn chưa bằng 1/4 quy mô thị trường tại thời điểm khởi đầu.
Vào cuối những năm 60 và đầu những năm 70 của thế kỷ trước, lợi nhuận bán hàng của máy photocopy Xerox luôn là một bữa tiệc ăn mừng không dứt khi dường như tài khoản phải thu (account receivables) của họ là vô hạn. Dĩ nhiên, công ty đã chẳng làm gì sai trong suốt hai thập kỷ đầu, Ed Sullivan – một người đàn ông cứng nhắc chỉ chăm chăm làm công việc của mình và hoàn toàn phớt lờ sự phát triển mang tính cách mạng của thị trường cũng như tính khốc liệt của cuộc đua mà ông tham gia – mới là người đáng nhận trách nhiệm. Cũng giống như Sullivan, Xerox khó lòng có thể theo kịp với vòng quay không ngừng của số phận. Mặc cho nỗ lực cải thiện tình hình bằng việc đặt cược cho dòng máy photocopy văn phòng, Xerox đã hoàn toàn không nhận ra tầm quan trọng của những khoản đầu tư trên dòng máy tính cá nhân hay các tiến bộ công nghệ hiện đại từ phòng nghiên cứu tại California của mình. Trong suy nghĩ của Ed Sullivan, công ty sẽ chẳng bao giờ bị diệt vong, ít nhất cho tới ngày Nhật Bản tiếp cận được bằng sáng chế của Xerox và xây dựng sân chơi của riêng mình vào cuối những năm 1970. Đó cũng là lúc Xerox nhận ra mình đã đánh mất những gì.