Giới Thiệu Quê Nam một cõi
Nhắc tới Hồ Biểu Chánh, chúng ta nghĩ tới một tiểu thuyết gia theo khuynh hướng “văn dĩ tải đạo”, lấy việc răn đời làm gốc. Nhưng đây cũng là kẻ viết theo khuynh hướng tâm lý ái tình, tuy nhiên đó là thứ tâm lý đóng khung trong lễ giáo, chết cứng và hóa thạch trong luân lý Khổng Mạnh, không thể vượt thoát ra một khung trời cao rộng gồm thiên hình vạn trạng nhân sinh quan phóng khoáng hơn và cởi mở hơn.
Hồ Biểu Chánh, bậc tiền bối của các cây bút Nam Kỳ chúng ta khởi nghiệp văn chuơng vào những năm cuối của thập niện 20 (của thế kỷ20). Đuờng lối viết lách của tiên sinh trước sao sau vậy, qua tới giữa thập niên 50 vẫn không thay đổi một mảy lông sợi tóc nào trong vấn đề nhân sinh quan, lý tưởng, trong cuộc sống phồn tạp và tiến bộ về văn hóa, tư tưởng, trong đường lối giáo dục của mọi tầng lớp hậu sinh của cụ.
Chúng ta phải tự hỏi, sau bao nhiêu vận nước nổi trôi, trải qua bao nhiêu thời đại, bao nhiêu thế hệ, vậy mà văn chương của Hồ Biểu Chánh vẫn còn được nhiều lớp độc giả hậu sinh chiếu cố? Có phải chăng tài hoa của cụ vượt dòng đào thải của thời gian? Có phải nó là tiếng đồng vọng lảnh lót và vang xa của cái thời đại mà cụ đã sống, đã cầm bút? Thật khó mà trả lời. Như chúng ta cũng thừa biết cái cấu trúc và cách dựng truyện của Hồ tiền bối cẩu thả, cách diễn tả của cụ thật bộc trực nếu không bảo là luông tuồng. Cụ ít khi viết văn, ít khi tả cảnh tả người chu đáo, thường là vài nét khái quát. Cũng như nhà văn Lê văn Trương, cụ hay thuyết lý, ưa trình bày cái nhân sinh quan của mình. Nhưng nhân sinh quan của cụ lâu lâu mới le lói một vài nét đặc thù của mình. Tuy nhiên, khi đọc tiểu thuyết của cụ, cớ sao người thưởng ngoạn bị cụ thôi miên hồi nào không hay. Cái chân tình, cái nhiệt thành của tình ý cụ lẫn cái nồng nàn của của bút pháp cụ quyến rũ người đọc một cách dị kỳ; cái thô vụng của cụ trở thành đậm đà tuyệt vời, cái bộc trực, cái xí xọn trong những lời đối thoại của từng nhân vật trở nên duyên dáng mặn mà khó tả.
Cái ngôn ngữ dí dỏm, chót chét trong văn phong của Hồ Biểu Chánh thường làm cho chúng ta bật cười một cách thống khoái, dù cụ có cằn nhằn chì chiết nhân tình thế thái đi nữa. Chúng ta cảm nhận ngay sự thành khẩn của cụ. Chúng ta vụt cảm thấy tận đáy sâu của ngôn ngữ cụ, tận cái thiết tha của tình ý cụ có một hấp lực kỳ đặc, không dễ gì tìm gặp ở bút pháp kẻ khác:
Thợ trời thiệt là khéo léo, hóa sanh muôn loài, không bỏ sót loài nào, đã sanh con voi to, mà còn sanh con muỗi nhỏ, đã sanh con cọp để giết người, mà còn sanh bò heo để nuôi người. Mà thợ trời cũng thiệt trớ trêu, mỗi loài lại sanh nhiều thứ, hình dáng, màu sắc tánh chất đều không giống nhau, sanh rắn độc mà cũng sanh rắn hiền, sanh hoa thơm mà cũng sanh hoa thúi. Sanh loài người, Tạo hóa cho có mặt, có tay, có chưn, có gan, có ruột như nhau, mà cắc cớ sơn cho nhiều màu da, người thì trắng, kẻ thì vàng, người thì đen, kẻ thì đỏ. Mà dầu đồng một màu da với nhau đi nữa, tâm tánh cũng bất đồng, kẻ hiền người dữ, kẻ ngay người gian, kẻ dại người khôn, kẻ sáng nguời tối. Có một điểm, loài người dù đen, đỏ, trắng, vàng, dầu dữ, hiền, khôn, dại, phần nhiều đều giống nhau. Ấy là thói say mê tiền bạc, say mê đến nỗi không kể tội lỗi, không biết thúi hôi, không sợ chê khen, không màng phải quấy, áp nhau bu lại mà giựt dành, nếu giựt cho được rồi chết cũng vui lòng, mà nếu giựt không được lại phải chết cũng không sợ.
(Tơ Hồng Vương Vấn, các trang 148, 149)
Viết theo văn dĩ tải đạo, bên Pháp đã có Delly, bên Anh đã có nữ sĩ Barbarra Cartland; họ ăn khách kinh khủng. Delly là bút hiệu của bà Jeanne Petitjean de La Rosière (sanh tại Avignon năm 1875, chết tại Versailles năm 1947) và ông Fréderic Petitjean de La Rosière (sanh tại Vannes năm 1875 chết tại Versailles năm 1949). Cả hai sáng tác lối 30 tác phẩm. Còn Barbarra Cartland viết lối 400 quyển tiểu thuyết. Nhưng đọc tác phẩm của họ, độc giả chỉ tìm được dăm ba tiếng đồng hồ để giải trí, rồi quên luôn những thú vị của mình đã trang trải trên những trang sách. Cặp Delly thường lấy tinh thần Bác Ái và Bao Dung của đạo Thiên Chúa làm nền tảng của câu chuyện, để đánh bóng thêm cho các nhân vật hiền lương mà Cộng Sản gọi là các nhân vật chánh diện thêm phần lộng lẫy. Nhưng đa số tác phẩm của Hồ Biểu Chánh thì không như thế. Ngoài chuyện tôn vinh quan niệm tích ác phùng ác, tích thiện phùng thiện, chúng còn có nhiều điều gì khác làm độc giả sống lại một đoạn đời quá khứ của mình hay giúp độc giả mường tượng cách sống của những lớp người thuộc những thế hệ trước thế hệ mình.