Giới Thiệu Phượng vỹ
Bây giờ, loài ve sầu đã mồ yên mã đẹp. Nhiều cậu đang chờ hóa kiếp bướm để được sống một lần với mùa xuân và nếu chết sớm, sẽ được ép vào những trang sách đẹp nhất của các cô học trò mơ mộng. Bây giờ, loài tu hú đã bay về rừng, đang tương tư rặng vải mùa hạ miền xuôi. Và, bây giờ, cây đang làm đám ma cho lá. Lá rơi ban ngày. Lá rụng ban đêm. Lá ốm. Lá úa. Rồi lá chết. Thương nhất là những chiếc lá bàng. Thân xác to lớn thế mà cũng bị sốt rét vàng da, biến chứng đỏ thẫm, chẳng đợi kịp gió đến rửa tội đã vội rớt xuống tuyền đài. Tuyền đài là mặt đường phố, là vỉa hè tháng chín. Tháng chín vào học. Những bước chân tựu trường giẵm nát xác lá. Lá đau. Lòng học trò hớn hở. Lòng tôi thì vướng mắc một chút sắt se. Tự nhiên tôi thấy thương xác lá. Tôi tưởng mỗi chiếc lá đều là cuối cùng và tôi muốn giơ hai tay ôm lá vào lòng. Rõ ràng giống thi sĩ Nguyễn Bính viết bài thơ Cây bàng cuối thu.
Năm nay, tôi nghỉ hè ở quê ngoại. Quê ngoại nhà tôi có một vẻ gì đó thật mơ hồ, một ngăn cách nào đó thật diệu vợi. Người con gái đã về nhà chồng là giã từ luôn quê mẹ như giã từ thời son trẻ của mình. Bổn phận làm vợ, làm mẹ bắt hình ảnh quê mẹ nhạt nhòa. Và hình ảnh ấy chỉ thiết tha sống dậy khi nỗi buồn nhuộm nắng hoàng hôn. Chiều chiều ra đứng cổng sau, Trông về quê mẹ ruột đau chìu chìu. Từ nỗi thiết tha của người mẹ, đứa con lớn lên, yêu quê ngoại hơn yêu quê nội. Quê nội gần gũi. Quê ngoại xa vời. Gần gũi quá, quen thuộc quá dễ gây chán nản. Xa vời quá, lạ lùng quá khiến ta mơ ước. Và ta ngỡ niềm mơ ước của ta sẽ no đầy nếu ta được sống ở quê ngoại rộn ràng trong ký ức, quê ngoại rực rỡ trong những câu chuyện kể của mẹ ta. Một lần, lên tám, tôi đã theo mẹ tôi về quê ngoại. Bẵng đi mười năm, vẫn chưa có lần thứ hai. Tôi cố hình dung ra quê ngoại và sự quạnh hiu đánh đai lấy cuộc đời những người bên ngoại của tôi. Không tài nào hình dung nổi. Và tôi chỉ còn mang máng nhớ nửa ngày đường ô tô, qua chuyến phà lớn, chuyến đò nhỏ mới về tới quê ngoại.
Mấy tháng trước, tôi đã đọc cuốn Quê mẹ của Thanh Tịnh. Thấy tâm hồn xao xuyến chi lạ. Rồi đọc tiếp truyện ngắn Con so về nhà mẹ, cũng của Thanh Tịnh, đăng trên Giai Phẩm Tết Ngày Nay, tôi rơm rớm nước mắt. Câu chuyện thật giản dị: Hai vợ chồng trẻ cưới nhau được một năm thì chị vợ mang thai. Nhà chị ở xóm làng bên kia sông. Gần ngày sinh đẻ, anh chồng đưa vợ về nhà mẹ sinh con so. Tiễn chân vợ tận bến đò anh chồng mới trở lại nhà mình. Con đò dẫn chị vợ về nhà mẹ. Chị nghĩ ngợi mông lung… Tôi không hỏi mẹ tôi xem ngày mẹ tôi sinh tôi, mẹ tôi có về quê ngoại. Nhưng câu chuyện Con so về nhà mẹ bắt tôi tưởng tượng nhiều. Tôi thương mẹ tôi. Tôi thương quê ngoại vô vàn. Vì vậy, vụ hè năm nay, tôi xin bố mẹ tôi cho về nghỉ ngơi ở quê ngoại. Tâm trạng tôi từa tựa tâm trạng thi sĩ Xuân Tâm. Trong khoảnh khắc sách bài là giấy cũ. Chiếc va ly của tôi lèn chặt niềm vui cùng với hàng chục cuốn tiểu thuyết của Lê Văn Trương, Tô Hoài, Ngọc Giao…