Giới Thiệu Nửa Tháng Trong Miền Thất Sơn
Cổ nhân nói “Sơn bất tại cao, hữu tiên tất linh” – Núi không cần cao, có tiên thì linh. Có thể nói ngoài địa thế được thiên nhiên ưu đãi thì bóng dáng những “ông đạo” và giai thoại ly kỳ của họ đã làm cho vùng Thất Sơn của Châu Đốc, An Giang trở thành linh địa.
Du ngoạn non Sam
Ngày trước đọc “Nửa tháng trong miền Thất Sơn” của Nguyễn Văn Hầu thấy tả cảnh vào Thất Sơn thật là trần ai, phải lặn lội qua vô số kênh rạch như Cần Thảo, Cây Dương, Vịnh Tre… chằng chịt. Còn bây giờ, đường vào núi Sam nói riêng và cả vùng Thất Sơn huyền bí nói chung đều được khai thông lên tới đỉnh. Từ thị xã Châu Đốc vào đến chân núi Sam chỉ 5km với con đường trải nhựa thẳng băng, đen nhánh, bóng loáng như dải lụa Tân Châu. Hai bên bờ là đồng lúa bát ngát, thi thoảng ẩn hiện vài ngôi chùa theo phái Tiểu thừa.
Núi Sam là ngọn núi gần nhất, có hình một chú sam biển khổng lồ. So với các rặng núi hùng vĩ ở miền Trung, miền Bắc, núi Sam chỉ đáng gọi là một ngọn đồi vì chỉ cao khoảng trên dưới 240m (có chỗ nói 228m hoặc 310m…). Nhưng “ngọn đồi” này mang cả một di sản với nhiều di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng cấp quốc gia như miếu Bà Chúa Xứ, Tây An cổ tự, Sơn lăng Thoại Ngọc Hầu, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Hang cùng bao thắng cảnh khác.
Núi Sam có tên chữ là Vĩnh Tế Sơn do Vua Minh Mạng ban cho lấy tên của bà Châu Thị Tế – chánh thất của Thoại Ngọc Hầu, khi ông chỉ huy đào xong con kênh nối liền từ Châu Đốc đến tận Hà Tiên từ năm 1819 đến 1824. Trước đó, núi Sam là vùng đất trọng yếu của quân thứ An Giang đạo (tương đương cấp quân khu ngày nay) vì địa thế hiểm trở, giáp biên giới Campuchia, từ trên đỉnh có thể bao quát cả vùng Châu Đốc.
Trong bia Vĩnh Tế Sơn, Thoại Ngọc Hầu có nói: “Địa giới Châu Đốc xưa kia là khu vực của Phiên man, nhờ triều đình khai thác cõi Nam, mới cho đất ấy nhập vào bản đồ… Phía sau đồn có núi, mà lời tục thường quen gọi núi Sam. Nơi đây chầm ao, rừng rú mênh mông rậm rạp… Đến nay, ánh sáng sớm sương tan, bóng chiều tà ráng rọi, cây rậm rạp khoe xanh, cỏ là đà phô thắm. Bụi sạch trên đường, lên cao ngắm nghía, dòng sông trải lụa, khách đi qua buông chèo nhàn ngoạn, tay trỏ non xanh cùng nói với nhau: Đây là núi Vĩnh Tế, do vua ban tên đó!…”.