Giới Thiệu Nói Về Miền Nam, Cá Tính Miền Nam Và Thuần Phong Mỹ Tục Việt nam
Đa số chúng ta thường tự hào về miền Nam Việt Nam với khí hậu ôn hòa hai mùa mưa nắng, với đồng ruộng mênh mông, sông nước bạt ngàn lắm tôm nhiều cá, với những người dân bình dị hiền hòa. Vậy thì chúng ta hãy theo chân nhà văn Sơn Nam lần lại một phần lịch sử của dãy đất này, cũng như một số phong tục tập quán để hiểu rõ hơn về mảnh đất phương Nam và yêu mến nó hơn…
Nói về miền Nam gồm các phần:
– Ông Hoàng Hiệp và trận giặc năm 1673;
– Dân hai huyện và Ông Nguyễn Hữu Cảnh;
– Nhận xét về ca dao Hậu Giang;
– Ăn ở cho đúng điệu nghệ;
– Một nghệ thuật “Trưởng giả mới”.
Vào hậu bán thế kỷ XVII, ở lãnh thổ Việt Nam xảy ra những trận giặc chót của cuộc Trịnh – Nguyễn phân tranh.
Năm 1648, Trịnh đánh vào Nam Bố Chính và cửa Nhựt Lệ, bị thua to vì tướng Đàng Trong là Trương Phúc Phấn giữ vững lũy Trường Dục.
Năm 1655, quận Trịnh lại khuấy rối vùng Nam Bố Chính. Tướng Nguyễn Hữu Dật bày kế với Hiền Vương, xin đánh bất thình lình vào địa phận chúa Trịnh, Hiền Vương đồng ý. Cùng với Nguyễn hữu Tấn, Nguyễn hữu Dật đánh đâu thắng đấy, chiếm được bảy huyện ở tận Nghệ an. Các quan lại địa phương lần lượt đầu hàng, dân chúng tiếp đón nhưng họ đâm ra thất vọng – thuế điền, nhứt là thuế thân (sai dư tiền) đánh quá cao, mặc dầu đó là thuế biểu áp dụng thường lệ ở Đàng Trong, Nguyễn Hữu Dật phủ dụ dân chúng rằng biện pháp ấy chỉ tạm thời – nhưng không mấy ai tin tưởng lời hứa hẹn đó.
Quá hăng hái, Dật muốn tiếp tục tấn công nhưng Hiền Vương dạy Dật nên cẩn thận, mọi việc binh nhung phải bàn bạc trước với Nguyễn Hữu Tấn.
Để giải quyết tình trạng “mắc sa lầy” ở xứ lạ quê người, Dật phát triển tâm lý chiến loan tin làm hoang mang đối phương, bí mật giao thiệp với Trịnh Tạc. Mặc dầu đã cho Hiền vương biết trứơc nhưng việc tư thông của Dật gây thêm nhiều thắc mắc với Nguyễn Hữu Tấn – có lẽ Nguyễn Hữu Tấn ganh công. Vì tiểu tâm, Nguyễn hữu Tấn rút thình lình tất cả quân số về Nam, cố ý bỏ Nguyễn hữu Dật ở lại một mình. Chừng hay được, Dật vẫn trầm tĩnh, ra lịnh cho 30 vệ sĩ – số vỏn vẹn ở bên cạnh Dật – phất cờ gióng trống trong lúc rút lui, khiến quân Trịnh không dám truy kích theo.
Thế là chiến thắng đã hóa ra chiến bại.
Cuối năm 1661, đầu 1662, Trịnh Căn và Lê Thời Hiến đánh thình lình vào tận lũy Đồng Hới. bị thất thế, Dật rút vào lũy để thủ hòa. . .
Bấy giờ, Hiền vương hiểu thựcl ực của mình hơn bao giờ hết. Theo lời tâu của Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tấn, Chúa quyết định xây thêm hai lũy nhỏ: Trấn Ninh và Sa Phụ để kiện tòan hệ thống sẳn có.
Khỏang thời gian hưu chiến 10 năm (1662-1672) giúp Hiền vương chỉnh đốn thuế khóa, tích trữ lương thảo, Nông Lại tư đặt ra kế họach do ký lục Võ Phi Thừa sọan thảo, nhằm mục đích đo diện tích các ruộng đất đang khẩn hoang và đã khai khẩn; thuế đánh khá nặng: một mẫu (chừng 1/3 hectare) ruộng hai mùa phải đóng 40 thắng lúa (1thăng -non 3 lít) và 8 hạp gạo trắng.
Năm 1667, Trịnh Tạc đuổi Mạc Kính Vũ; Vũ chạy trốn qua Tàu, mầm nội lọan gần như dứt hẳn.
° Tháng 6 dương lịch 1672, Trịnh Tạc kéo binh vào Nam, quyết tiêu diệt chúa Nguyễn. việc bố trí rất khéo léo, chu đáo.
Trịnh Căn làm nguyên sóai, cai quản thủy quân.
Lê Thời HIến (đã từng được tín nhiệm hồi chiến cuộc Nghệ An) thống suất bộ binh.
Mỉa mai nhứt là hòang đế Lê Gia Tông, 12 tuổi, cũng được chúa Trịnh đem đi “ngự giá thân chinh”.
Tất cả quân lực chừng 100.000 người nhưng loan tin là 400.000!