Giới Thiệu Những mảnh đời đen trắng
NGƯỜI THUỐC THANG CHO VẾT THƯƠNG CHIẾN TRANH
Năm truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Quang Lập thì ba truyện (Cây sến lửa, Tiếng lục lạc, và Đò ơi) đều được trao giải thưởng, cho đến nay vẫn thuộc về những truyện ngắn hay trong vài ba năm trở lại đây. Từ đó đến này, Nguyễn Quang Lập đã in hai tập truyện ngắn, viết và phóng tác hai vở kịch, xong bản thảo tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng, tất cả đều nhất quán trong một thế giới hình tượng và tư tưởng, khiến cho Nguyễn Quang Lập nổi lên như một cây bút viết về chiến tranh sâu sắc và mới lạ, được công chúng tìm đọc với lòng yêu mến.
Đọc Nguyễn Quang Lập, thoạt đầu người ta đều tưởng rằng tác giả phải là một người lính già đã từng trải trận mạc, và chất chứa bên trong biết bao nhiêu kỷ niệm đau đớn về chiến tranh thì mới viết như thế. Té ra Nguyễn Quang Lập chỉ mới trên ba mươi tuổi, và chỉ sống những năm nghĩa vụ quân sự trong binh chủng bộ đội tên lửa để trở thành nhà văn. Và chính vì thế, để phát hiện ra những nhân vật của mình, Lập đã không nhìn lên bầu trời, mà cúi xuống lòng mình, đào bới ở đó những điều thấy cần nói với mọi người và quả nhiên, công chúng đều chăm chú nghe Lập nói. Trước đó chưa ai nói về chiến tranh giống như Nguyễn Quang Lập cả.
Chính cái tuổi cầm bút mới mẻ này của Nguyễn Quang Lập đã mang dấu ấn riêng cho cả một thế hệ nhà văn trẻ lớn lên sau chiến tranh: họ bắt đầu cầm bút ở thời điểm bản lề của lịch sử đất nước vừa chuyển từ chiến tranh sang hòa bình, và trên tất cả những gì đổ nát mà cuộc chiến còn để lại, họ tìm cách kiểm nhận lại quá khứ, không phải dưới con mắt của người lính đánh giặc, mà bằng cái nhìn thao thức của những người trẻ khao khát hòa bình, nhân phẩm và hạnh phúc chân thật.
Nguyễn Quang Lập viết về chiến tranh, nhưng không để ca ngợi chiến công, mà để bày tỏ nỗi lo lắng về vết thương. Dưới con mắt của nhà văn trẻ này, mỗi nhân vật đều mang theo trong bản thân nỗi bất hạnh mà chiến tranh để lại cho con người: sự mất mát về hạnh phúc, nỗi cô đơn khi trở lại cuộc sống bằng hào quang của lửa bom, và nhiều trạng thái méo mó về nhân cách, bằng cái nhìn phân tích khá sắc bén và mang giọng hài hước dân giã để chế ngự bớt nỗi đau đớn, tác giả đã soi mói tận gan của từng nhân vật của mình để chỉ ra những thương tật chiến tranh để lại trong tâm hồn, những thương tật mà dù trong truyện hoặc ngoài đời người ta vẫn muốn giấu kín.
Có thể nhìn thấy cách đặt vấn đề như vậy trong từng truyện ngắn Nguyễn Quang Lập, và ngay trong một vở kịch đang gây xúc động cũng của Lập: vở “Mùa hạ cay đắng”, trong đó một Chủ tịch thị trấn đào nhiệm, một người lính đào ngũ, một cô gái bội tình và một gã cán bộ Đoàn dùng mọi thủ đoạn gian trá để ngoi lên địa vị, tất cả bốn con người đó đã gặp nhau trong một túp lều nhỏ trong khói lửa, qua đó, tác giả lần lượt lột trần bộ mặt thật của họ một cách không thương xót.
Có điều quan trọng là Nguyễn Quang Lập đã không dừng lại trong thái độ của một người tố cáo chiến tranh, qua cách giải bảy của một người muốn nhìn thẳng sự thật, người ta vẫn cảm nhận được cái tâm của tác giả: đó là nỗi căm ghét cái ác, sự đòi hỏi về nhân phẩm và lòng khát khao hòa bình và hạnh phúc cuộc sống. Cách viết của Nguyễn Quang Lập là như vậy, là làm thương tổn lương tâm trong ý đồ làm cho lương tâm trở nên hoàn thiện hơn.
Quê hương của Lập là một mảnh đất đã phải gánh chịu quá nặng cuộc chiến tranh, và có nhiều thương binh trở về sau chiến tranh. Có lẽ vì thế mảnh đất đau đớn này đã sinh ra một cây bút đau đáu về vết thương chiến tranh, bằng cách nêu lên những đạo lý mà con người phải nhận ra và sống theo, để xứng đáng với sự hy sinh của nhân dân, xứng đáng với những thương tích có thật của những người đã chiến đấu cho Tổ quốc.
Luôn luôn là thế, người đọc cám ơn nhà văn và nhà văn cám ơn quê hương của mình.