Giới Thiệu Những Đứa Trẻ Chết Già
Cách đây khá lâu, dân làng Phan thấy Trường “hấp”, gã trai không cha, không mẹ, không họ hàng, dẫn một người đàn bà từ mạn Trại Cau về. Người đàn bà này cả ngày không nói một câu, cũng chẳng ra khỏi nhà.
Ban ngày, Trường “hấp” đem dao, cuốc lên đồi hùng hục phát cây cỏ, chẳng cả nghỉ ăn trưa. Đêm, trong căn lều tồi tàn đến mức sắp ụp xuống, người ta thấy bóng hai vợ chồng thấp thoáng diễu qua diễu lại bên cửa sổ méo xệch. Dân làng Phan xì xào bàn tán về lai lịch người vợ của Trường hấp. Họ đoán non đoán già đủ mọi thứ. Có người bảo thị là người dân tộc, kẻ khác khẳng định thị vốn có dòng họ quý tộc từng nổi lên làm giặc, sau bị thất tán. Cụ Cung rỗ, người cao tuổi nhưng háu ăn, ham gái nhất, oang oang tuyên bố vợ Trường hấp là cháu nhiều đời của Liêm Quận công, một tướng chết trận trong cuộc loạn Thái Nguyên thời Giáp Ngọ. Tất nhiên đó chỉ là giả thuyết, không ai dám chắc rằng mình là người biết gốc tích người đàn bà kia. Vả lại vợ Trường hấp cũng chẳng giao tiếp gặp gỡ người nào trong làng cả. Thi thoảng người ta mới thấy Trường ra chợ thị trấn mua các thức ăn vặt, có kẻ hỏi, chỉ cúi đầu, cắn môi cười ngượng nghịu. Bản tính hắn thế, cái gì cũng chỉ cười, nụ cười có duyên như con gái gặp đám trai lơ. Được hơn năm, vợ chồng Trường hấp giầu lên đột ngột, chúng thuê thợ xây nhà, đào ao, bạt đi một nửa quả đồi làm vườn cây ăn quả. Trường hấp liên tục đi mua sắm các thứ, cả máy cole phát điện lẫn đài và xe đạp. Cánh thợ đào ao hùng hục làm ba tuần mới xong. Cái ao to, rộng, vuông vức nằm bên trái nhà, có một rãnh nhỏ thông ra sông Linh Nham, ngay sát chân cầu. Khi đám thợ đi được bốn năm tháng, người ta phát hiện vợ Trường hấp có chửa. Nhiều kẻ ác miệng bảo nhau, con của những thằng thợ đấu, không phải của Trường hấp. Đấy là những kẻ ghen ăn tức ở vì thấy vợ chồng Trường hấp giầu lên không rõ nguyên nhân. Vẫn lại cụ Cung rỗ bô bô:
– Nó đào được của. Khặc! Mẹ nó chứ, không tin cứ chặt đầu tôi đi – vừa nói, cụ vừa vươn cao chiếc cổ chằng chịt gân, hai tay chém chém vào không khí để có sức thuyết phục: – Đất này ngày xưa là nơi các quan và bọn cướp giấu của mà lị.
Đa số đều tin lời cụ cố Cung, vì họ xét thấy chẳng còn nguyên nhân nào khác nữa. Chỉ có mụ Sinh lùn chống lại giả thuyết đó, cũng như mụ khẳng định rằng vợ Trường hấp tự dưng có chửa, mặc dù không ngủ với thằng đàn ông nào.
– Bởi vì nó lưỡng tính.
Mụ Sinh lùn chống đôi tay hộ pháp lên hông, hất mặt nhìn mọi người với vẻ đắc thắng. Mụ là người biết nhiều chuyện ở làng, mới tám tuổi đã nổi tiếng là con bé hay đưa chuyện. Mụ từng bị chồng là lão Bính chột đánh thừa sống thiếu chết không biết bao lần vì cái tội xoen xoét đó mà vẫn không chừa được.
– Chẳng có gì vui vẻ cả, ngoài cái chuyện ấy!
Mụ Sinh lùn nói với chồng sau mỗi lần bị đòn. Câu “chuyện ấy” được hiểu theo nghĩa là ngồi lê mách lẻo hay thói gió trăng của mụ? Vốn hám hơi đàn ông, hễ thấy ai vừa mắt mình là mụ Sinh cứ lăn xả vào bằng được, bất chấp mọi phản kháng, mọi lời ong tiếng ve. Mấy bà trong làng có chồng lực lưỡng, sức vóc đôi chút hễ trông thấy mụ vội vàng ấn giúi chồng vào chỗ khuất để khỏi bị nhìn thấy. Cánh đàn ông có vợ lãnh cảm nhìn nhau nháy máy, sung sướng ra mặt khi gặp mụ. Cũng cần nói thêm, mụ Sinh có thói quen ra sông Linh Nham tắm bất kể đông hay hè. Mụ cứ nồng nỗng vốc nước vã lên người, coi thiên hạ như bị mù tất cả. Chính vì thói quen đó đã dẫn đến tình cảnh cụ cố Cung bị gẫy mất hai cái răng cửa trước khi tự nó rụng. Cụ cố Cung tưởng mụ dễ ăn, lân la ra bờ sông. Lúc đầu còn thều thào đứng trên bờ gạ gẫm, sau mò xuống tận nơi, thò tay bóp vú. Không thấy mụ Sinh phản ứng, thế là cơn hứng già chơi trống bỏi nổi lên, cụ cố Cung bèn quỳ ngập đầu gối xuống nước, định vục mặt vào chỗ ấy của mụ. Chỉ chờ có thế, mụ Sinh co chân giáng cả cái gót to tổ bố vào mồm cụ. Từ hôm ấy hễ thoáng thấy bóng dáng mụ Sinh ở đâu, cụ cố Cung lại đưa tay lên sờ chỗ răng khuyết, lầm bẩm gì đó rồi lảng ra chỗ khác.