Giới Thiệu Nhà Tôi
“ĐỊNH MỆNH ĐÃ AN BÀI”. Năm tiếng này bỗng trở thành danh ngôn kể từ ngày ông Tí con bị vợ chê, bỏ ông ta, đi tìm một chân trời hạnh phúc khác. Ông Tí con buồn lắm. Thay vì uống rượu hay hút thuốc phiện quên nỗi sầu mất vợ, ông ta lại làm cái công việc cao quý là ăn cơm tháng ở mục rao vặt của nhật báo Sáng. Ông Tí con ca bài con cá, hy vọng vợ ông mủi lòng trở về cùng ông vầy duyên như xưa. Nhưng ông Tí con thất vọng y hệt nỗi thất vọng của những anh nhà báo ngây thơ, bị quái vồ xế, đăng báo kêu gọi lòng nghĩa hiệp của quái xế. Cái thời buổi phân hóa cực độ hôm nay, vợ bỏ đi kể như Kinh Kha xách kiếm sang đất Tần, kể như Honda bị thổi. Ở nơi nào đó, đọc những áng văn tìm vợ của chồng, phu nhân Tí con, chắc chắn, sẽ mỉm cười, dấn bước, khẽ hát “Ra đi không về, âm vang lời thề…” Ông Tí con nạo bím chi địa cho báo Sóng, bồi thêm vài quả rao vặt nữa. Ông đổi chiến thuật, hạ giọng “Định mệnh đã an bài” và khuyên vợ ông về bán nhà. Tôi chẳng hiểu phu nhân Tí con có ham tiền bán nhà, quay gót phiêu du để rơi vào ổ phục kích của ông Tí con không. Vì, sau một tháng đăng báo tìm vợ, vợ đã không về, ông Tí con còn bị nghi là… gián điệp đánh mật mã! Và ông bỏ cuộc. Khiến mỗi ngày tôi mất một nụ cười.
Bạn tôi, ông Hoàng Hải Thủy, lấy làm chiêm ngưỡng cái tinh thần tìm vợ của ông Tí con lắm. Nàng Alice của ông Hoàng Hải Thủy, có dạo, giận ông ta, bỏ nhà về ở với “măng”. Ông Thủy đi tìm vợ. Vợ ông lánh mặt. Và ông Thủy tưởng Alice của ông… hạc nội mây ngàn! Ông bèn anh dũng tự nhận mình là Tí con, đăng báo tìm Alice rối rít. Ông viết “tạp ghi” trên báo Tiền Tuyến, chớp danh ngôn Tí con “định mệnh đã an bài” mà dùng lia lịa. Trong các tác phẩm, dịch phẩm, phóng tác phẩm của ông sau này, ông ta cũng phang danh ngôn “định mệnh đã an bài”. James Bond, gián điệp… hiệu 007, từng chép miệng “định mệnh đã an bài” những lúc sa cơ thất thế. Tưởng trên cõi đời này, người cảm ông Tí con nhất, chính là ông Hoàng Hải Thủy vậy.
Tôi vốn quý mến những người đàn ông thương yêu vợ con. Tôi chơi thân với ông Hoàng Hải Thủy từ ngày ông ta bảo tìm vợ. Những năm tiền cách mạng tháng mười một nghe tên Hoàng Hải Thủy là tôi phát sợ. Tôi ngỡ rằng một người viết bạo, viết bựa như Hoàng Hải Thủy hẳn phải lả người điếm đàng, coi chuyện vợ con không hơn khói thuốc lá. Cái thuở vàng son của Hoàng Hải Thủy, cái thuở ông ta ngồi nhà vừa tán vợ vừa viết bài để người nhà báo Ngôn Luận đến gõ cửa thì phát cho một mẩu giấy, hẹn “lát tới lấy tiếp”, hoặc “xốt tê” tiểu thuyết lu bù mà không anh chủ báo nào dám dọa “cúp”, tôi vẫn còn là thứ vô danh tiểu tốt.