Giới Thiệu Người Thầy Thuốc
Hình như trời sinh anh Minh ra là để cho anh làm thày thuốc. Ngày còn đi học, với cái áo thâm chùng lụng-thụng, anh đã có vẻ một ông “lang-băm” kiết, chỉ còn thiếu một cái khăn xếp nhăn gặm, một đôi giầy sơn mốc, một cái ô “tàng” nữa là hoàn-toàn giống. Ngày nay, ở trường Cao-đẳng Hà-Nội ra, đỗ bằng y-sĩ Đông-Dương được bổ về tỉnh nhà, được bổ về Huế, anh tuy đã bỏ cái áo chùng thâm để mặc bộ quần áo tây đi “mần việc tây”, nhưng trông anh vẫn chẳng gọn-ghẽ tí nào. Áo vẫn rộng, dài, quần thì hẹp quá, mũ vẫn “phở”, ca-vát nhăn-nheo, cử-chỉ vẫn vụng-về, lúng-túng. Vì năng xem sách, mắt mờ đi, anh mới tậu thêm được đôi mắt kính. Vẻ mặt ngớ-ngẩn của anh, thêm đôi mắt kính, lại càng làm cho anh xứng với cái tên “médecin de campagne” của tụi học trò ngày xưa tinh-quái đặt cho anh.
Lúc còn ở “Cô-Le” đời Minh chỉ có một nguyện-vọng: học hết bốn năm, thi ra, đỗ, được bổ về một chốn nhà-quê xa-tít nào ở Thượng-du cũng được, làm một anh giáo-học tối-tăm không ai để ý tới và cưới được Hường, một cô bạn gái học trong trường Đồng-Khánh, không yêu anh bao giờ, nhưng lúc đó sẽ yêu anh, và yên lòng sống với nhau trong cái cảnh lặng-lẽ, tầm-thường đó “cho đến bạc đầu”.
Nhưng, lúc đã học hết bốn năm — năm nào Minh cũng đứng nhất lớp — lúc thi ra đã đỗ, lúc Minh đã lấy hết can-đảm để thú-thực lòng yêu với Hường, thì Hường lại cười khanh-khách mà bảo:
— Vội gì! Ông “lang nhà-quê” của tôi ơi! Hãy ra Hà-Nội học thêm, bao giờ thành ông “lang tây” về đây sẽ hay!
Thế là Minh đi Hà-Nội thực, Minh học thuốc thực. Khi người ta đã yêu, khi người đàn-bà mà người ta yêu đã truyền-phán một câu gì thì câu ấy là một cái lệnh. Minh đem được bằng y-sĩ Đông-Dương về Huế, và cưới được Hường. Nhưng quả tim của Hường thì không bao giờ Minh “cưới” được. Hường chỉ vì nhà túng, chỉ vì cảm-động về cái công theo đuổi của Minh mà phải nhận lời.
Cái cuộc đời hiền-lành ở một xó nhà-quê mà Minh hằng mơ-tưởng không bao giờ có nữa. Minh phải sống giữa đất Thần-kinh với một người vợ đẹp thích ăn chơi, ưa rộn-rịp. Cái nghề của Minh lại là một nghề vất-vả, không có thì-giờ nhất-định. Minh không được ở luôn bên mình vợ quý. Hường thì trẻ hơn Minh những năm, sáu tuổi. Mỗi lần phải đi xa vợ một ngày đêm là Minh lo-lắng, chẳng yên-lòng. Nhưng, Minh chẳng vì thế mà sao-nhãng công-việc, Minh biết phận-sự của một người thày thuốc là quan-hệ. Minh rất yêu nghề, rất thạo nghề, và có lẽ Minh còn coi nghề hơn vợ nữa, tuy Hường đã là vật yêu-quý nhất đời Minh.
Năm đó, tôi vào Huế xem lễ Nam-Giao. Trong đám đông người, tôi nhận thấy một người đàn-bà Huế đẹp, tôi vừa toan giơ máy ảnh chụp thì một bàn tay to lớn nắm lấy vai tôi mà lắc:
— Ồ! Anh Vân!
Khi đã quay đầu lại và nhận được ra ai, tôi vội reo mừng:
— Minh! Thày lang-băm nhà-quê của tôi!
Minh sung-sướng ôm lấy tôi mà hôn như người Tây, làm cho tôi ngạt thở. Thân-hình Minh ngày xưa đã cao-lớn hơn tôi bây giờ lại to-béo thêm ra. Minh bỗng phá lên cười, vẫy người đàn-bà mà tôi vừa toan chụp trộm ảnh lại gần tôi: