Giới Thiệu Người Mẹ Cầm Súng
Truyện kí về chị Út Tịch, người mẹ cầm súng, tấm gương tiêu biểu “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam thời chống Mỹ.
“Hàng năm, vào những ngày cuối tháng Tư, tôi thường dành thời gian đọc lại Nguyễn Thi. Văn Nguyễn Thi không phải là thứ văn đa nghĩa, vậy mà vẫn khiến người sành văn đọc hoài. Có phải những câu chuyện hết sức bình dị ấy hàm chứa sức sống của một đất nước trong thời bão lửa chiến tranh, nhà văn là nhân chứng trung thực? Hay là do ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói hàng ngày của người Nam Bộ, được nhà văn chọn lọc, nâng cấp trở nên giàu sức biểu cảm đến vậy?”
Nhà văn Nguyễn Quốc Trung
I. Căm thù và nghị lực
Tại xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh có một người đàn bà đã sáu con tên là Nguyễn Thị út. Dáng người nhỏ gọn, chị có khuôn mặt tròn và đôi mắt to, sáng. Cô bác lớn tuổi quen gọi chị là con út Trầu, vì chị hay ăn trầu. Lại có người đặt danh chị là “Bà Hồng” vì chị đánh giặc rất giỏi. Xóm giềng theo tục địa phương, ghép luôn tên chị với tên chồng, cứ kêu là út Tịch. Mới đây bà con lại bàn tán một chuyện mới xảy ra về chị.
Một đêm tối trời tháng giáp Tết vừa qua, dân làng đáy ở ngoài cồn Bần Chát bỗng nghe tiếng đàn bà kêu cứu. Vào mùa nước rong, sông chảy xiết, sóng to, có lượn lớn bằng con trâu, dân nghèo đi làm ăn bị chìm ghe, đồ đạc trôi láng sông. Người ta chạy ghe máy ra giữa dòng, vớt lên được một người đàn bà chỉ có đôi mắt to là còn tỉnh táo. Trên vai chị, một đứa bé tuổi còn bú, cứng đờ, thở thoi thóp. Cùng với chị còn có ba đứa nhỏ gái run rẩy, da tím ngắt.
Đó là chị út Trầu. Hỏi ra mới biết hôm đó nghe tin giặc bố ngoài bờ sông, chị mướn xuồng chở ít dưa sang Cầu Lộ bán, tiện dịp thăm dò tình hình giặc ngoài đó ra sao. Giặc chặn đường ban ngày, chị phải đi đêm. Ra tới giữa sông, sóng lưỡi búa đã bốc nước làm chìm xuồng chị. Sông Hậu Giang mênh mông, bề ngang bốn ki-lô-mét, chèo thẳng tay cũng mất ba tiếng. Mấy mẹ con ngụp lặn giữa trời nước tối đen. Chị út vai vác đứa con mới đẻ, lội đứng, miệng hò hét điều khiển ba đứa con gái, đứa nhỏ nhất mới lên tám tuổi, bám theo mép xuồng còn chìm lờ đờ, thả trôi. Xuồng muốn chìm luôn xuống đáy sông, chị cố nâng lên. Mọi việc đều phải tỉnh táo, chính xác. Nếu không khéo, đứa nhỏ trên vai sẽ chết. Quá tay một chút, cái xuồng cũng có thể chìm luôn. Cứ như vậy, hai tiếng đồng hồ, sóng lớn, sóng cả đã thua chị.
Lên bờ, thoa bụng con, chị thử sức con bằng cách thọc lét[1] cho nó cười.
Mấy mẹ trong xóm nói:
– Đàn bà như tao thì sình lên rồi[2]. Nó vậy mà mẹ con còn y.
Mấy mẹ Khơ-me nói:
– Con đó chuyện gì nó cũng làm như đụng giặc vậy.
Bà Sáu Hò kêu lên:
– Nó uống toa thuốc gì mà gan trời vậy chớ!
– Có uống thuốc gì đâu. Hồi nhỏ cực quá nên bây giờ gan thôi. Mười hai tuổi từng đánh vợ Hàm Giỏi mà.
Cô bác hay nhập chuyện đời xưa vào chuyện đời nay của chị như vậy.
Ngày đó, út mặc quần bố tời[3]. Rận ôi là rận! Lấy chai lăn, nó kêu như muối rang. út ở giữ con cho vợ Hàm Giỏi, vừa phải leo cau, vừa leo dừa. Hai bên hông út sần sượng, nổi cục. Leo cau tối ngày, đói, đến lúc đút cơm cho con nó ăn, út rất thèm. Thịt nạc nó kho nước dừa béo vàng. Những miếng thịt lưng cá trê nó lòe ra trắng như bông. út ăn đại một miếng, ngọt quá, út làm luôn cả chén, rồi chén nữa. Chiều thấy con đói, vợi Hàm Giỏi kêu út lại chửi: – Bộ ông nội bay hồi đó chết đói thụt lưỡi hả?