Giới Thiệu Người Cùng Quê
Thị xã Hội An rất cổ kính và đạo mạo bỗng dưng biến thành một cụ đồ nho quá chén trong dịp hội Xuân khi cơn lụt của những người say tràn vào. Tất cả cùng say thì chẳng ai thấy ai say nữa, coi như cùng tỉnh.
Thác người biểu tình tuôn ra các đường phố rất hẹp không vỉa hè, cuốn luôn theo những ai còn đứng thập thò trong cửa. Các dẫy nhà xưa lợp ngói âm dương đen xạm, thấp nhỏ, sao lúc này lại giống những cô bé quàng khăn đỏ khi ngập trong băng với cờ. Trống đại từ khắp các làng mang tới, hai người khiêng một người đánh, cùng với tiếng mõ nghe riết lại hóa ra là tiếng người: “Biểu tình, tình… gấp gấp, gấp”. Từng đoàn thanh niên vác gậy hay đeo súng gỗ đi đều, hát tất cả những bài họ thuộc, từ “Tiếng gọi thanh niên” đến “Thiếu sinh Lạc Hồng”, bài ca mới của cách mạng còn là độc quyền của đội tuyên truyền đứng trên xe tải kia, hát hết ba bài tủ lại nổ máy chạy chỗ khác. Đội kèn trống nhà binh mặc quân phục trắng, vẫn nguyên kiểu vung tay xoay kèn và các điệu thổi hồi Pháp, nhưng là có đinh vào kèn đã kịp đổi, kéo theo hàng trăm trẻ em chạy song song hai bên. Đạo quân hùng tráng của du kích, tự vệ, nghĩa binh, với Năm Chò, quản Lượng và Tám Doãn cưỡi ngựa dẫu đầu, làm bật lên những chuỗi sấm hoan hô, những rừng mũ nón đưa lên vẫy, tuy Năm Chò bị thít vai trong bộ lễ phục của quản Hưng và Tám Doãn phải níu cứng mỏm yên bằng tay trái cho khỏi ngã. Tất cả kéo vào cái sân vận động nhỏ và lắm đất bột, xốc lên làm bụi mỗi lúc một dày khiến mặt trời ngả sang đỏ và lảo đảo. Lễ ra mắt của Lâm thời Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh làm tại đó.
Lễ ngắn thôi, nhưng sau đó hội hè tự ý kéo dài trên đường phố với những đoàn đứng hát, đi hát, tự treo cờ lên mà chào, những nhóm trổ tài côn quyền đao kiếm, những đơn vị súng hỗ chọn chỗ trống biểu diễn quân sự. Chơi xả láng cho bõ cái công kéo đến thị xã, vậy thôi, nhưng người làm và người xem đều thích mê. Vừa ngồi xuống bãi cỏ bóp chân đấy, lại nhảy tưng tưng lên. Nuốt nước bọt thấy rát cổ, nhưng sau đó còn hò hét cho rát thêm. Cái bụng xẹp lép mà nắm cơm mang theo cứ nằm trong bọc. Ai cũng bỏ sót chút gì đó chưa được mắt thấy tai nghe, sẽ tiếc cả một đời. Và trong tiếng hô muôn năm vang động kia phải có tiếng của mình rót vào mới khoái chứ!
Cơn vui ngây ngất làm cho người ta bốc đồng. Một đội tự vệ bắn ba phát lên trời cho đoàn phụ nữ nào đó chào cờ, suýt gây ra nạn dịch bắn súng chơi, may mà chặn kịp, Tám Doãn trả ngựa lại cho Cam xong, đứng giữa đám đông trai trẻ tuyên bố rằng “đấu tranh này là trận cuối cùng” bởi một bài hát quốc tế nói rõ như vậy. Sáu Cam cuỡi con Hường, đeo băng đỏ chạy giao thông cho ban chỉ huy, cứ biến đâu từng lúc. Mấy ông già gật gù khen phải khi quản Lược nhắc câu sấm cụ Trạng Trình “Thân Dậu niên lai khiến thái bình” chính là ứng vào năm Ất Dậu này. Năm Chò không đi bằng tay được vì bị áo bó cứng vai và phải giữ vẻ uy nghi một chút, vẫn nể lời các cô áo dài xanh đỏ cho bay năm lưỡi phi đao trước những đôi mắt nhung mở lớn. Dễ dãi với nhau đến nỗi khi rửa tay chỗ giếng vắng, cô Năm Bưởi bị anh Năm Chò hôn đánh chụt một cái trên cổ, chỉ nguýt dài chứ không nói chính trị.
Sau buổi lễ ra mắt ở sân vận động, ủy ban tỉnh trở về tòa sứ trên ba chiếc ô tô du lịch. Chiếc xe cuối vượt qua cổng được vài chục thước chị Sáu Lễ chợt gọi anh lái dừng gấp, nói với Cả Chanh ngồi bên:
– Nè ông quân sự, xuống mà nhận lính con gái! Các cô chưng diện cách sao mà giờ mới tới!
Trên bãi cỏ rộng trước tòa nhà chính, một đội nữ tự vệ chừng bốn mươi người đang xếp bốn hàng ngang, đứng nghiêm chào các xe cắm cờ. Chanh tròn mắt ngạc nhiên: trông họ khác hẳn các đội nữ du kích và nữ tự vệ mặc bà ba đeo mã tấu kéo vào sân vận động ban nãy. Đội này mặc đồng phục sơ-mi đen ngắn tay quần soóc đen đến giữa đùi, đặc biệt cùng cắt tóc rất ngắn đến nửa vành tai như đội mũ nồi, trông thật hùng dũng mà cũng hơi buồn cười. Chừng một phần ba số đội viên cầm súng mút-cơ-tông vừa tầm cao, còn lại đều dựng bên vai một cây đại đao cắm cán dài, chắc lấy mẫu ở Thanh long đao của tượng Quan Công trong các miếu.
Chị Sáu Lễ là ủy viên Cứu tế xã hội trong ủy ban, một chức vụ nặng nề bậc nhất trong năm đói khủng khiếp này. Thế nhưng chị hiểu ngay đội nữ tự vệ này muốn gặp chị hơn các ủy viên khác là đàn ông. Chị kéo Chanh bước tới, trong khi cô đội trưởng trẻ măng co nắm tay phải lên chào kiểu Việt Minh, báo cáo bằng giọng run run:
– Dạ thưa dì… dạ thưa đồng chí lãnh đạo… tụi con được tin tới hai giờ chiều mới hành lễ, bị lỡ mất… ở tận Tam Kỳ ra đây, làm sao bây giờ…
Chanh nhìn kỹ mới thấy mắt cô nào cũng mọng đỏ, chắc vừa trải qua một cơn sụt sùi tập thể. Đau quá đi chứ. Bao nhiêu công phu kiếm súng, rèn đại đao, may đồng phục, bao nhiêu đắn đo khi mặc thử quần soóc áo ngắn phơi đùi phơi tay, bao nhiêu dằn vặt khi đưa lưỡi kéo xén ngang mái tóc óng ả, bao nhiêu vất vả trêu đường về tỉnh lỵ, tất cả nhằm tỏ bày các chí khí hy sinh giết giặc của phụ nữ chẳng chịu thua giới mày râu. Thế mà bị hẫng đúng vào dịp cùng toàn dân giơ tay thề cứu nước, giành độc lập!
Nghe kể một hồi, chị Sáu luống cuống đưa mắt cầu cứu Cả Chanh. Anh cố nín cười, nói trịnh trọng:
– Không sao, để tôi thu xếp.
– Ôi may quá… Nè mấy em, đây là anh Cả Chanh phó chủ tịch ủy ban tỉnh, lo phần quân sự đó. Thôi các em đừng buồn, nghe ảnh đây…
Lúc này Chanh mặc quân phục Bảo an ninh, đeo súng ngắn, đi giày đinh, đeo trên bắp tay trái một băng vải đỏ có ngôi sao vàng vẽ bằng sơn, trông rất có thớ chỉ huy. Anh bước tới, dập gót giày đánh cốp theo động tác của Năm Chò, nói thật dõng dạc:
– Thay mặt Lâm thời Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Trần Cao Vân, tôi trịnh trọng tuyên bố công nhận đội nữ tự vệ thị trấn Tam Ky là thành viên chính thức của Mặt trận Việt Minh! Bây giờ chúng ta sẽ cử hành lễ tuyên thệ trước lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng! Tất cả theo mệnh lệnh tôi… Nghiêm! Nghỉ! Nghiêm! Quay tay mặt, quay! Bước thường, bước!
Mọi việc, lại diễn ra như ở huyện đường Tây Quảng khi đội du kích Linh Lâm đến hụt buổi giành chính quyền. Chanh cố ý làm long trọng hơn. Anh rút sổ tay ra đọc năm lời thề đã soạn cho đội Linh Lâm, san mỗi đoạn các cô cùng vung tay hô rập ba lần “xin thề”.
Sau đó, các cô còn được nghe một huấn từ ngắn gọn của đồng chí Tô Xáng chủ tịch tỉnh, được đồng chí Huỳnh Thị Lễ tự tay trao tặng mỗi người một bản Chương Trình Việt Minh in máy trên giấy tốt, có đóng dấu Ủy ban Việt Minh tỉnh Trần Cao Vân đàng hoàng. Nhất rồi còn gì! Mấy chục ngàn người dự mít-tinh hôm nay đâu được thế!
Chanh tuyên bố buổi lễ chấm dứt, giao luôn nhiệm vụ cho đội: “Dọc đường hành quân trở vô Tam Kỳ, mỗi đồng chí sẽ kêu gọi đồng bào khắp mọi nơi hãy nhiệt liệt ủng hộ Việt Minh, ra sức thi thố Chương trình Việt Minh”. Mấy chục cô gái đầy khí thế hào hùng xếp hàng đi đều ra khỏi cổng, mặt tươi roi rói như hoa nở rạng đông.
Ủy ban tỉnh cười đùa một lát rồi họp vắn tắt, bàn mấy việc phải làm gấp trong ngày, hẹn nhau đến tối sẽ họp tiếp, chứ lúc này từ chủ tịch trở xuống đều háo hức ra phố. Họ chia từng nhóm nhỏ đi bộ cho kín đáo. Anh Bảy Quý không đứng tên trong Ủy ban rủ Xáng và Chanh đi chung, súng giấu dưới áo, có hai đồng chí bảo vệ đeo dao găm trong sơ-mi theo kiểu trinh thám đi trước và sau. Mỗi lần nhìn mặt anh Quý, Cả Chanh lại tức cười. Anh mới cạo râu dài và thưa của “ông già Cửa Đại” ngay đêm qua, nhưng không trẻ lại như thanh niên mà lại giống mặt bà già bởi quá nhiều nếp nhăn sâu trên da mặt. Thỉnh thoảng quen tật cũ anh lại đưa tay vuốt cằm khiến chung quanh bật cười, giễu cho một tràng.
Họ dạo qua các sân bãi, phố, chợ, chèo đò sang bên kia sông xem khí thế các làng. Cả Chanh thấm mệt, vẫn bị cuốn vào cơn say chung. Lắm lúc anh thấy mặt đường dưới chân chòng chành như sạp đò nhưng chỉ lén vào chỗ góc nôn chua có một lần. Gần trưa họ mới quay về tòa sứ.
Anh chị em võ trang, sau một giờ tản ra chào hỏi đồng bào, lúc này đang tập hát trên bãi cỏ rộng bên trong rào. Ba cậu trẻ măng, tóc chải bóng và băng đỏ trên tay, đang bày một bài mới của cách mạng. Cậu cầm đàn băng-giô chào “các chú ủy ban”, nói luôn:
– Bọn cháu là học sinh trường Viên Minh, vô đội tuyên truyền hôm qua. Các anh chị đây hát được một bài rồi.
Năm Chò ngồi xếp bằng trên cỏ, ồm ồm gọi luôn:
– Bà con mình hát thiệt ngon cho thượng cấp nghe thử!
Tiếng băng-giô và ác-mô-ni-ca đi theo đường thẳng, tiếng hát đủ các giọng kim giọng cổ bám theo khi sớm khi muộn nhưng được cái rất to:
Toàn dân nước Nam giờ đây quyết tâm
Đứng lên tranh đấu xích xiềng đập tan
… Gươm đâu, gươm đâu, thời cơ đang đến
Tiến lên, tiến lên theo cờ Việt Minh
Lại Năm Chò nhắc:
– Cũng chưa to. Nhà binh là phải hét chớ không hát như mấy cô cậu lãng mạn đâu nghen. Bây giờ ta hoan hô vỗ tay một phát rầm rộ, rồi ta lại hét! Hai, ba nè, hoan hô ô ô…
Lát sau anh Quý ngồi xuống ghế bành trong phòng khách, uống một hơi cạn ly nước chè nguội, nói trầm ngâm:
– Mừng là phải… Chiến tranh chấm dứt, máu ngừng chảy. Cùng một lần xô nhào được ba tầng thống trị của Pháp, Nhật, Nam Triều. Cùng một lần giành được độc lập và dựng lên chế độ mới, tiếc lắm…
– Kìa, sao lại tiếc hả anh?
– Ờ, quên, là tiếc cho nhiều đồng chí không được thấy ngày nay… Nè, du kích Linh Lâm của mi coi bảnh quá đó Chanh, tao ngó xa cứ tưởng quân ở mô Việt Bắc kéo vô!
Anh Quý lại giở giọng đặc sệt Quảng Nam của “ông già Cửa Đợi”, chọc cười anh em bằng bàn tay vuốt cái cằm trụi, xóa nhanh, những kỷ niệm ngậm ngùi.
Anh Xáng nghe điện thoại xong, ghé lại ngồi trên ghế bành, nhún nhún thử, kêu:
– Tới cái chỗ đặt đít mà nó cũng làm êm ru, hèn gì bụng thằng nào cũng phình to tướng… Chanh nè, cậu biết mở cái quạt máy trên đầu không? Cho nó chạy đi nực quá…
Họ giải quyết gấp một việc mới: thành Thái Phiên vừa báo tin sẽ đưa vào tám chục tự vệ tập bắn các thứ súng lớn ngay chiều nay, sáng mai chở ra cho nổ gần trại Nhật để uy hiếp. Chưa cần bắn trúng, chỉ dọa cho Nhật sợ thôi. Các đơn vị Giải Phóng quân mới lập xin điều ra sáng sớm càng hay, kho gạo ngoài ấy đang còn nhiều, chưa phải lo ăn.
Đọc Online Người Cùng Quê
Tập 1
Tập 2
Download Ebook Người Cùng Quê
Tập 1
Tập 2