Giới Thiệu Ngựa nản chân bon
Một buổi chiều trung tuần tháng chín năm 1983, Lê tất Điều gọi từ San Diego để báo vội vàng một tin tức: Nguyễn mộng Giác viết truyện hay quá trời.
Điều vẫn thế, lúc nào cũng tốt bụng, cũng phấn khởi, cũng sốt sắng với văn nghệ. Mặc dù đang thất nghiệp, đang kêu nản lòng với bút mực, nhưng luôn luôn theo dõi sát các hoạt động văn nghệ đó đây của anh em, và hễ chợt bắt gặp một thành công của bất cư ai đều hớn hở reo vui, vui cả trên đường dây điện thoại viễn liên.
Truyện của Giác viết hay, tôi đã biết từ lâu, không phải vì tôi tinh hơn Điều hay bám sát tình hình kỹ hơn Điều, dĩ nhiên; mà bởi vì tôi là người đồng hương của Giác. Ở cái tỉnh xa xôi của chúng tôi -xa Huế kinh đô cũ, xa Sài gòn thủ đô mới – số người dự vào việc văn nghệ chẳng được là bao, nên những kẻ cầm bút ai nấy đều gần gũi nhau, và khi cùng rời tỉnh nhà vào Sài gòn sinh sống, thì lại càng thân thiết, xem nhau như cật ruột. Chúng tôi theo dõi từng tác phẩm của nhau ngay từ trong bản thảo.
Nhân cú điện thoại của Lê tất Điều, tôi nhớ lại một câu chuyện xảy ra chín năm về trước ở Sài gòn, cùng liên quan đến Nguyễn mộng Giác, đến việc Giác viết hay. Hồi đó, Trung Tâm Văn Bút Việt Nam chọn trao giải thưởng năm 1974 cho cuốn truyện dài Đường Một Chiều của Nguyễn mộng Giác. Lúc bấy giờ Hoàng ngọc Tuấn đang bị kẹt ngoài Trung đã làm một việc chưa từng thấy trong đời văn của Tuấn và trong lịch sử các giải thưởng văn chương ở ta: là từ ngoài Trung kêu lên ơi ới, tưng bưng tán thưởng. Thực vậy, Hoàng ngọc Tuấn đã gửi một lá thư “chào mừng” thật dài cho Hội Văn Bút Việt Nam,lá thư được đăng tải trên các báo, khen Hội có tinh thần thưởng ngoạn và thẩm định Văn chương rất tinh tế, rồi lại phát huy thêm nhiều ưu điểm của tác phẩm trúng giải mà Hoàng ngọc Tuấn xác nhận đã đọc bản thảo, và nhiều ưu điểm của Nguyễn mộng Giác.
Ở đây tôi không có ý nêu lên cái việc Nguyễn mộng Giác được người này người kia trong văn giới yêu thích; tôi chú ý đến chỗ sự yêu thích có pha mừng rỡ, đôi khi lại có lẫn chút ngạc nhiên. Tại sao vậy?Sự thành công có gì bất ngờ? Nếu Giác có địa vị ổn định rồi thì đã không có cái reo mừng nọ. Nghĩ đi nghĩ lại, thấy quả thực trong trường hợp của Nguyễn mộng Giác có điều thiệt thòi bất công: Giác đã không được chú ý rộng rãi và nhanh chóng xứng với tài mình.
Và như thế do nhiều lẽ.
Thứ nhất là do tình hình. Giác xuất hiện giữa lúc chiến cuộc đang hồi gay cấn, nước nhà lâm tình trạng rối ren. Tôi gia nhập sinh hoạt văn nghệ trước đó chừng mười lăm năm, và ngẫm lại bấy giờ mình đã may mắn được hưởng một hoàn cảnh thuận lợi: Sau hiệp định Genève, người ta có một cảm tưởng an lạc thái bình, ít ra trong vòng bốn năm năm đầu. Trong không khí lạc quan xây dựng, dư luận dễ dàng chú ý đến từng tác phẩm văn chương đặc sắc, từng bài thơ hay, câu ca đẹp, đến sự xuất hiện của mỗi một văn thi sĩ độc đáo. Mười năm sau đến thời của Giác, ôi thôi thật là tơi bời…hỗn mang. Các chính phủ dựng lên sập xuống đều đều, rụp rụp; quân đội ngoại quốc đổ vào ào ạt, đảo lộn cuộc sống xã hội, nề nếp văn hóa; rồi Mậu Thân, rồi Mùa hè đỏ lửa, rồi lạm phát phi mã v.v..Con người bị xô đẩy dồn dập, chịu hết đòn chính trị quân sự đến đòn kinh tế đòn văn hóa, tối tăm cả mặt mũi, còn tâm trí đâu mà thưởng ngoạn văn chương với nghệ thuật. Câu thơ hay không xúc động bằng quả hoả tiễn nổ đánh ầm giữa khu phố chợ Vườn Xoài, cuốn sách lạ không làm giật mình bằng cái tin cổ thành Quảng Trị thất thủ, bằng tin giá xăng bất ngờ vọt lên giữa ngày mồng hai Tết v.v..
Trong cảnh bát nháo ấy phải là một cái gì thật giật gân mới mong được dư luận chú ý đến, mà văn chương. của Nguyễn Mộng Giác không phải là thứ văn giật gân. Ồ không! Giác không nhằm giật gân giật cốt ai cả. Giác viết những điều thật tinh tế giữa một thời thật náo nhiệt. Và cái này đưa chúng ta sang một chuyện khác.
Vào giai đoạn cuối, trong chết chóc hỗn loạn, miền Nam đã tự tìm cho mình một xu hướng văn chương thích hợp với hoàn cảnh: thứ văn chương tiêu khiển. Đàn ông đọc Kim Dung, đàn bà đọc Quỳnh Dao, rồi thiên hạ xúm nhau đọc truyện trinh thám gián điệp, đọc truyện hãi hùng thời Đức Quốc Xã, truyện ma quái hồ ly, đọc Lê Xuyên, Lệ Hằng, Nguyễn thị Hoàng mê ly, đọc mải miết, đọc say sưa trên báo hàng ngày, rồi thuê sách về mà đọc… Đây là thời kỳ của sách cho thuê. Sách thuê phải là thứ sách đọc ào ào rồi trả. Còn những thứ cầu kỳ điêu luyện thì không thể đọc thuê; những thứ ấy không phải của thời kỳ này. Cho nên cùng với hiện tượng sách cho thuê đã xảy ra hiện tượng sách Con Đuông. Sách Con Đuông là thứ sách không in, mà chỉ “thực hiện ” mấy chục bản đặc biệt để tặng một số giới hạn văn hữu chọn lựa mà thôi. Sách Con Đuông phần nhiều là thơ, lắm tập của những thi gia nổi tiếng từ lâu. Độc giả VN không phải lúc nào cũng chê thơ, ai cũng biết. Trong văn học sử Việt Nam đã từng có thời thơ được in đi in lại, thơ là con đường vương giả tiến lên đài vinh quang mà mọi tao nhân mặc khách đều ao ước. Nhưng đến đây thì tiếng nói thanh tao đành bị tiếng đại bác át hẳn.
Dĩ nhiên không thể nói trong giai đoạn sau ở miền Nam chỉ toàn sách xoàng. Không ai ngông cuồng rồ dại nói điều nhảm nhí như thế. Thời nào cũng có người tài, chỉ có xu hướng đổi khác. Đổi theo hoàn cảnh. Và người tài phần lớn cũng phải theo cái xu hướng của thời thế. Người kém viết sách tiêu khiển lảm nhảm: người tài viết hay, nhưng cũng liệu làm sao cho có thể tiêu khiển được thiên hạ thì “tiện ” hơn. Nhiều nhà văn tiếng tăm lớp trước, khi đổ ra viết truyện dài đăng nhật trình cũng chọn lối này. Ngay người bạn Hoàng Ngọc Tuấn, tài hoa bay bướm là thế mà sách của anh thuê về đọc ngốn đọc nghiến cũng thú ra phết. Duy Nguyễn mộng Giác thì không vậy.
Hãy nghe Hoàng Ngọc Tuấn nói với hội Bút Việt về cuốn Đường một chiều: “Theo tôi, đó là một tác phẩm được sáng tác rất công phu. Say sưa mà vẫn thận trọng, đầy cảm hứng mà vẫn tiết chế, cô đọng bằng một kỹ thuật cao và khéo léo; nội dung chứa đựng nhiều ý tưởng phong phú mà hình thức vẫn gọn gàng lôi cuốn”, và về truyện của Nguyễn Mộng Giác nói chung: “Truyện của Nguyễn Mộng Giác thường đặt ra cho người đọc những câu hỏi, tác giả không trả lời, chính mỗi người chúng ta, nếu chúng ta là những độc giả không ngại phải băn khoăn suy nghĩ khi đọc sách thì chính mỗi người trong chúng ta sẽ tự tìm lấy câu trả lời riêng cho chính mình. ”
Thay mặt Hội Đồng Tuyển Trạch, Phạm Việt Tuyền nhận xét về tác phẩm được chọn thưởng, cho rằng “tình tiết rất hấp dẫn” (…) “khi đã xảy ra thành sự kiện thực tế rồi thì vẫn còn tạo bâng khuâng triết-lý như tách trà thơm ly rượu ngon đượm thêm tình nặng nghĩa sâu” 2
Những chỗ ngợi khen xin vì đức khiêm tốn của Giác mà không nhắc đi nhắc lại, chỉ xin chú ý đến mấy điểm mà hai vị Hoàng và Phạm cùng “nhất trí” với nhau về Giác: ý tưởng phong phú, băn khoăn suy nghĩ bâng khuâng triết lý, đặt ra những câu hỏi v.v… Các điểm ấy chính Nguyễn Mộng Giác cũng gián tiếp xác nhận khi trả lời cuộc phỏng vấn của tạp chí Bách Khoa: “Các nhân vật của Kim Dung từ Trương Vô Kỵ cho đến Tiêu Phong, Lệnh Hồ Xung, đều đã xông pha, đã dấn thân theo cách riêng của mình, nhưng cuối cùng đều phải băn khoăn y như nỗi băn khoăn của Lệnh hồ Xung khi thấy Lâm bình Chi sử dụng Tịch tà kiếm pháp” 3.
Thành thử trong giai đoạn thời thế hỗn mang, người đời mong giải trí bằng cái gì nhẹ nhàng phù phiếm một chút thì Nguyễn Mộng Giác lại miệt mài với những suy tưởng băn khoăn triết lý, làm “vất vả” cả người viết lẫn người đọc. Vì thế đã biết Giác, ai cũng quí Giác, nhưng biết Giác không phải là khối quần chúng rộng rãi. Vì thế, lâu lâu lại bất chợt có sự mừng rỡ vì Giác được biết, được yêu thích.