Ngữ pháp Hán Ngữ cổ và hiện đại

Ngữ pháp Hán Ngữ cổ và hiện đại

Giới Thiệu Ngữ pháp Hán Ngữ cổ và hiện đại

Ngữ pháp là toàn bộ những quy tắc về từ và cách dùng từ để sắp xếp thành câu văn hay lời nói. Kinh nghiệm thực tế cho viấy, nếu không am tường ngữ pháp, chúng ta sẽ không thể nói đúng, dịch đúng hay đọc hiểu Hán ngữ một cách thấu đáo và chuẩn xác. Nhận thức rõ điều này, từ lâu tôi đã chú ý đến việc biên soạn về ngữ pháp Cổ Hán ngữ và cũng đã xuất bản được một tập lấy tên là “Sơ lược Ngữ pháp Hán văn” (NXB. Thành phố Hồ Chí Minh in lần đầu năm 1991; NXB. Đà Nẵng tái bản năm 1997). Tuy nhiên, sách còn quá sơ lược đúng như tên gọi của nó, đồng thời do những hạn chế về mặt kỹ thuật của lúc bấy giờ, sách in còn khá nhiều lỗi rất đáng tiếc mà sự ân hận của soạn giả là một trong những lý do chính để có quyển Ngữ pháp Hán ngữ nầy ngày hôm nay, đầy đủ hơn nhiều và hi vọng khắc phục được những lỗi đã có trước.

Sách được biên soạn thích hợp cho mọi trình độ và được chia làm hai phần:

Phần thứ nhất là ngữ pháp Hán ngữ cổ được coi là phần trụ cột, chiếm hầu hết nội dung của sách. Phần thứ hai sơ lược hơn, ngữ pháp Hán ngữ hiện đại, chỉ được coi là phần phụ nhằm mục đích giúp cho những người sau khi đã am hiểu ngữ pháp cổ có sẵn luôn tài liệu tham khảo về ngữ pháp hiện đại, nên nội dung phần nầy chỉ đề cập một số chủ điểm ngữ pháp quan trọng (bao gồm 67 mục) mà không lặp lại các khái niệm, định nghĩa đã được nêu ra khá kỹ ở phần trước. Muốn chuyên đi sâu vào ngữ pháp Hán ngữ hiện đại, độc giả có thể dùng thêm những sách khác viết riêng cho đề tài này hiện đang được phổ biến khá rộng rãi. Riêng về phần soạn giả, cũng đang biên soạn một sách khác dành riêng cho phần Hán ngữ hiện đại, dự định sẽ xuất bản trong thời gian tới.

Liên quan đến ngữ pháp Hán ngữ nói chung, điều đáng lưu ý là các nhà ngữ pháp học Trung Quốc xưa nay hường không thống nhất nhau trong cách trình bày, dẫn đến tình trạng cũng không có sự nhất trí nhau về nội dung các khái niệm hoặc thuật ngữ, do vậy trong sách này, mỗi khi đề cập một khái niệm hay thuật ngữ nào, soạn giả thường nêu thêm những cách gọi khác tương đương để tiện cho người học dễ nhận định theo dõi.Kinh nghiệm thực tế chỉ ra rằng, người học tạm thời có lẽ chỉ nên ưu tiên nhắm thẳng vào mục tiêu nắm vững ngữ pháp để đọc hiểu và dịch đúng Hán ngữ hơn là để bị vướng vào trong mở danh từ mà giữa danh và thực vốn không có sự rõ ràng chắc chắn như chúng ta vẫn thường thấy. Mặc dù vậy, để giảm bớt khó khăn trong việc nhận diện các thuật ngữ, một bảng đối chiếu thuật ngữ Việt-Hán-Anh-Pháp đã được soạn thêm vào cuối sách (trang 514) nhằm giúp người học có thêm cơ sở để đối chiếu, từ đó có thể nắm vững hơn nội dung các khái niệm, thuật ngữ ngữ pháp đã được đề cập.

Trong sách, các đoạn trích dẫn để làm thí dụ đều có ghi rõ xuất xứ, đã được lấy ra từ nhiều nguồn khác nhau. Ngoài những sách kinh điển của bách gia chư tử và cổ văn các đời (của cả Trung Quốc và Việt Nam), soạn giả còn chú trọng rút tỉa từ những thể loại khác, kể cả Văn ngôn thông tục Trung cổ, đặc biệt là từ các loại kinh sách, ngữ lục Hán ngữ của Phật giáo. Trong phần cổ Hán ngữ (phần I), mỗi thí dụ đều có phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa theo lối dịch sát từng chữ; trong phần Hán ngữ hiện đại (phần II), chúng tôi đã dùng tiếng Việt để ghi âm phổ thông một cách đơn giản thay cho âm Hán Việt, vì Hán ngữ hiện đại trên thực tế là một loại khẩu ngữ, không cần thiết phải ghi âm Hán Việt.

Cuối sách (trang 537) là một bảng tra từ mà người sử dụng có thể tạm coi là một “tiểu từ điển” về ngữ pháp Hán ngữ. Bảng tra ghi lại theo phiên âm Hán Việt và theo trật tự A, B, C… những từ ngữ có tính chất ngữ pháp (từ công cụ) đã được giải thích, nhằm giúp bạn đọc tiện dụng trong khi tra cứu, tham khảo.

Nhân dịp xuất bản lần nầy, tôi xin ghi nhận sự giúp đỡ của anh bạn hiền Lê Anh Minh về một số tài liệu tham khảo rất bổ ích mà nếu không có sẵn thêm trong tay thì việc biên soạn quyển sách này chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều.

TRẦN VĂN CHÁNH

3.2003

Đọc Online Ngữ pháp Hán Ngữ cổ và hiện đại

Đọc Onine

Download Ebook Ngữ pháp Hán Ngữ cổ và hiện đại

Exit mobile version