Giới Thiệu Ngày Xưa Còn Bé
Mười bảy tuổi, ngày xưa, còn bé lắm. Và càng bé lắm đối với cậu học trò tỉnh lỵ lên Hà Nội trọ học như tôi. Tôi nhớ khi chiếc xe Con Voi của ông Lê Văn Ðịnh rồ máy, mẹ tôi vẫn dúi thêm vào tay tôi ve dầu Nhị Thiên Ðường tuy ở túi tôi đã có một ve và trong va li của tôi, riêng một góc, xếp đầy các thứ thuốc đau bụng, cảm sốt, ho gió, dầu Nhị Thiên Ðường. Chỉ thiếu vài núm vú. Sự săn sóc tỉ mỉ của mẹ tôi đủ nói rằng tôi còn bé lắm. Mẹ tôi bắt tôi mặc hai chiếc áo sơ mi giữa mùa hè, sợ đi đường trúng gió. Lại gói thêm cơm nắm giò rim, dặn dò không được ăn bánh dọc đường, sợ mắc dịch tả. Qua phà Tân Ðệ không được nhìn xuống sông, sợ say sóng. Cậu học trò tỉnh lỵ, dưới mắt mẹ tôi, thế đấy. Tôi ngoan ngoãn nghe lời mẹ dạy. Vì tôi còn bé thật, bé lắm. Chưa đủ, mẹ tôi nhờ mấy người bạn thân của tôi “che chở” tôi, “bênh vực” tôi trên đường dài những trăm cây số ngàn cùng chuyến đi trọ học. Giá xe không chuyển bánh, mẹ tôi sẽ không hết lời dặn dò.
Tôi lên Hà Nội, bỡ ngỡ như chim non vừa rời tổ. Tôi ở trọ trên căn gác của một ông chủ thầu số 13 đường Ngô Thời Nhiệm. Căn gác chia đôi. Một bên bọn Nam Ðịnh, một bên bọn Thái Bình. Hai bọn học trò này không ưa nhau. Chả là, mỗi năm, học trò Thái Bình đều phải sang Nam Ðịnh thi Trung học phổ thông. Và mỗi năm, học trò Nam Ðịnh đều “cậy gần nhà”, bắt nạt học trò Thái Bình. Bọn Nam Ðịnh có thằng đã vẩy mực đầy lưng áo tôi kỳ thi vừa qua, hôm thi Lý Hóa. Tên nó là Luyện. Nó ngồi dưới bàn tôi. Nó không thuộc bài, đòi tôi nhích người để nó “quay”. Tôi sợ giám khảo, không làm vừa lòng nó. Thế là nó nổi giận, vẩy mực đầy lưng áo tôi. Tôi không quên nó, nhưng nó quên tôi. Tôi lượng sức không địch nổi nó, đành lờ đi. Bọn Nam Ðịnh, ngoài thằng Luyện, còn thằng Hội nổi tiếng cao bồi, thằng Dương thọt chân mà bọn Thái bình đặt tên cho nó là Nhà Sư Thọt hay người Máy Móc hay “L’hommepoint-virgule”. Bọn Thái Bình đông hơn bọn Nam Ðịnh hai đứa. Lại có Thịnh học trên tôi hai lớp, đậu tú tài một rồi và từng ở Hà Nội hai năm. Từng ở Hà Nội hai năm là vì cổ tích vĩ đại. Riêng lời khuyên đi đường thì Thịnh đã khiến tôi phục lăn. Nó bảo chúng tôi: “Chúng mày chỉ cần thuộc đường từ nhà ra hồ Gươm và từ hồ Gươm về nhà les chemins mènent à… hồ Gươm. Ði hỏi thăm ra hồ Gươm là mò đường về nhà dễ dàng.” Ðêm đầu tiên ở nhà trọ, Thịnh phóng xe đạp đến phố Duy Tân, xách cái túi giấy dầu đựng cả chục cây kem đậu xanh Cẩm Bình về cho chúng tôi. Nó nói chuyện kem Cẩm Bình. Chúng tôi tròn xoe mắt, há hốc miệng nhìn nó. Hà Nội có khác. Ði mua kem cây về nhà ăn chứ chẳng cần chờ người bán kem rao ơi ới trước cửa nhà mình như ở Thái Bình. Kem Cẩm Bình, Thịnh trộ, đựng túi chạy hàng giờ không chảy nước!