Giới Thiệu Mùa hoa móng tay
Chốc chốc dì Lăng lại ngừng tay đan và kín đáo nhìn ra ngoài ngõ. Vẻ mặt dì thẫn thờ, xanh nhợt. Tôi ngả người vào băng ghế nệm, xéo góc với dì, lâu lâu lật một trang sách. Sự thực, tôi chẳng đọc được một chữ, hay đúng hơn có cố gắng đọc mà, không hiểu những dòng chữ dưới mắt. Tôi biết dì Lăng có ý trông đợi một người. Chính sự biết được này làm tôi khó chịu. Hai dì cháu ngồi như thế cũng cả nửa tiếng. Tôi không sợ cái im lặng nặng nề khó thở đó. Tôi muốn nó kéo dài để dì Lăng thấy rằng sự im lặng của tôi là dấu hiệu báo cho dì biết, tôi đã hiểu, đã đọc được những ý nghĩ của dì. Tôi muốn thử xem cuối cùng, rồi kẻ nào thua cuộc? Kẻ nào sẽ phải lên tiếng trước?
Buổi sáng muộn nhưng trời chưa có nắng. Thời tiết những năm gần đây thường trở lạnh vào cuối năm. Cái lạnh vừa đủ để da thịt cảm thấy gai gai, ớn ớn, trong cái quạnh hiu, xa vắng không tên của những ước mơ, những thất vọng, và những chán nản. Cái rét lạnh cuối năm thường bắt người ta bâng khuâng lập lại công việc khó tránh, cộng sổ đời mình. Tôi không muốn nghĩ gì hết. Có thể, vì nghĩ mấy thì đời mình cũng chẳng khá hơn. Nghĩ mấy thì cuối năm, hai dì cháu cũng ngồi với nhau trong cái im lặng của một bỏ quên tủi thân và chua xót. Tôi đã bước qua tuổi ba mươi và, dì Lăng, với mùa xuân này nữa, đã ba mươi bảy.
Tôi bỏ nhà để đến ở với dì Lăng, thoáng chốc thế đã năm năm. Tôi chọn dì để đến ở bởi lòng thương dì quá đỗi. Tôi luôn mắc phải lỗi lầm, hay cái bệnh là tình cảm ướt sũng. Tôi dễ xúc động một cách rất thiệt thà, trước tình cảnh éo le buồn thảm của một người nào đấy. Tất nhiên không chỉ có bấy nhiêu lý do khiến tôi bỏ nhà ra đi. Lý do gần của việc này là ông Doãn. Người mà mẹ tôi đã chọn để chắp nối cuộc đời bà, sau cái chết của cha tôi. Chẳng hiểu có phải vì bản chất ích kỷ hay không, mà tôi không thể nào chấp nhận được sự có mặt của ông Doãn trong ngôi nhà, trong khung cảnh mà, trên hai mươi năm, tôi đã quen, với ba tôi. Khi mẹ tôi loan báo ý định chắp nối với ông, tôi nói đại ý, con không thể chịu được sự có mặt của ai khác. Không ai thay thế được sự vắng mặt của người khác. Mẹ nên sống riêng với ông ta ở một nơi nào đó. Nếu mẹ đem ông ta về đây, trước sau gì rồi con cũng đi. Hơn nữa, mẹ già rồi! Còn hàng xóm láng giếng… “Làm sao con sống nổi!”