Giới Thiệu Một Mình Tôi Bước Đi
Thục dắt xe đạp còn tôi đi bộ. Hai đứa đi vào cửa chính của công viên rồi mới quẹo tay phải vòng lên phía trên. Lối đi đầy sỏi và cát vụn, bước chân của hai đứa làm vang nhẹ một thứ âm thanh rì rào giống như những cơn gió dưới sông thổi đùa qua các khóm lá.
Thục nói :
– Tự nhiên cái đi. Đừng có đùa dai, đau tim ta lắm đó. Mi biết không?
Giọng con nhỏ bạn thân từ năm tiểu học đầy hờn trách làm tôi thấy lòng mình chùng lại như sợi dây đàn. Tôi cố nói một cách vui đùa, chứ không biết làm sao khác :
– Tự nhiên sao được. Hai đứa ở gần nhau lâu quá. Chơi với nhau đến phát ngấy thì phải có lúc chia tay.
– Coi vậy chứ xa nhau nhớ lắm mi ơi.
– Nhớ ráng chịu.
– Nhớ mi mỗi chiều tao ra ngồi ở bờ sông tao khóc.
– Khóc nước mắt của con cá sấu hả?
– Tao khóc ngập sông, ngập Cồn Phụng, tràn lên bờ, ngập lụt luôn cả cái đất Mỹ Tho nhỏ bé này.
– Như thế trôi mất anh chàng lính biển của mi rồi sao?
Thục cười mấy tiếng giòn như kẹo gương. Con nhỏ chắc là đang đỏ mặt. Mấy hôm không biết từ đâu đưa tới một anh chàng lính biển cứ lóng ngóng trước cổng trường chờ giờ tan học. Rồi một buổi chiều anh chàng nhè ngay nhỏ Thục hỏi thăm. Chả biết hỏi thăm gì mà chàng lẽo đẽo theo Thục một khúc đường làm ai cũng đồn um lên là nhỏ Thục có bồ là lính biển. Thục chối phăng, cải chính loạn cào cào nhưng chả nhỏ nào chịu tin. Tôi biết Thục bị nỗi oan… ông Địa. Nhưng anh chàng lính biển kể cũng bô trai. Bộ đồ xanh hơi bạc một chút, cặp kính cận gọng đen trên gương mặt sáng sủa thông minh. Con nhỏ chắc ngượng lắm khi tôi nhắc chuyện này.
Thục cười :
– Là lính biển phải trôi theo biển chứ.
– Tình nhỉ?
Thục bỗng chỉ tay xuống những chiếc tàu xám đen đang đậu trong căn cứ Hải Quân, nói :
– Một hôm, tao gặp chàng ở trong đó đi ra. Chắc anh chàng đóng ở đây.
– Rồi sao?
– Sao gì? Tao ở bên này đường. Chàng ở bên kia đường. Và đường ai nấy đi chứ sao.
– Ít ra cũng nhận người quen chứ. Đã từng… quen nhau trước cổng trường mà.
– Thôi, cụt cái lưỡi chua lè nhọn hoắt của mi đi. Hãy nói tới chuyện chia tay ngày mai. Bộ mi không biết buồn hả con nhỏ ma trơi?
Tôi khịt mũi :
– Buồn chứ.
– Sao cái mặt mi tỉnh bơ ra vậy?
– Chứ không lẽ khóc ở trong công viên? Người ta tưởng hai con nhỏ khùng nào vừa trốn ra khỏi nhà thương điên.
Thục lườm tôi :
– Ai biểu mi khóc, nhưng ít ra cũng nói với người ta câu nào đậm đà tình thân ái trước khi chia tay chứ. Mi không sợ ta giận mi à?
– Cho giận tới Tết. Ngày mai ta đi rồi. Người đi thảnh thơi. Kẻ ở lại mới đầy một bụng tơ lòng.
– Tại sao hôm nay mi biến thành một cục nước đá vậy nhỉ?
Tôi cười cười. Quả thật tôi không biết trả lời con nhỏ bạn ra sao. Giữa niên học bất ngờ mẹ tôi cho hay là tôi có thể lên Sàigòn học ở ngôi trường lớn nhất, nổi tiếng nhất của thành phố. Dì Phương, em ruột mẹ tôi có chồng làm lớn, uy tín. Có thể gởi tôi vào đó giữa niên học. Tôi sẽ ở trong một ngôi nhà sang trọng. Một biệt thự nằm trên đường Tú Xương. Ngôi nhà ngày xưa, tôi có lên chơi một hai lần. Bây giờ không nhớ rõ lắm nhưng hình như ở đó có vườn cây, có đất rộng thênh thang với bãi cỏ xanh xén tỉa đẹp. Mẹ tôi bảo tôi phải chọn lựa giữa hai trường hợp, hai hoàn cảnh. Hoặc là ở đây cho tới khi không còn đủ phương tiện đi học nữa rồi sẽ ở nhà lấy chồng. Hoặc sẽ được ở trong một hoàn cảnh khác mà tương lai sẽ được đảm bảo hơn. Dĩ nhiên, với lòng thương con của một người mẹ, dù người mẹ ấy bây giờ đã có một ông chồng khác, đã có những đứa con khác, tôi cũng biết mẹ tôi muốn cho tôi lên ở với dì Phương.