Giới Thiệu Một chữ tình
Chúa nhựt, học trò trường Chasseloup-Laubat ra đi chơi hết, duy có vài trò bị phạt với chừng mười lăm trò thấy ngày thi đã cận rồi, muốn học ôn, nên còn ở lại trong trường mà thôi.
Lúc trưa trời mưa dông trót một giờ đồng hồ, me đổ lá đầy sân, cát chỗ khô chỗ ướt. Học trò ngủ trưa thức dậy vào lớp học bài cho đến 4 giờ chiều mới ra ngoài hàng tư mà chơi. Đầu này năm ba trò giụm nhau ngồi nói chuyện, đầu nọ vài ba trò dắt nhau đi lại đi qua.
Phạm Quảng Giao tay cầm cuốn sách “Pháp văn bị thể” chơn lần đi lại một góc vắng vẻ, rồi ngồi dở sách ra đọc. Trời tuy đã dứt mưa, song gió còn thổi ngọn me oằn oại, hễ luồng gió đến thì nước đọng trên cây đổ xuống, rồi lá me cũng lát đát rớt theo. Quảng Giao tính kiếm chỗ học cho dễ, nào dè dở sách ra đọc chưa được mấy hàng mà ngoài sân nước tuôn lá đổ đã mấy lần, làm cho trò ta lãng trí đọc mà không nhớ chi hết.
Quảng Giao để cuốn sách trên gối, tay trái thì đè, còn tay mặt thì chống cằm, ngồi ngó ra ngoài sân, mắt nhìn cảnh vật thật tiu hiu, trí tưởng tiền trình càng ái ngại. Ngồi một hồi lâu, bỗng nghe sau lưng có tiếng giày động đất, Quảng Giao day lại thấy trò Lê Bác Ái chơn đi nhè nhẹ, miệng cười chúm chím, đương xâm xâm bước tới, ý muốn lén chọc cho giựt mình chơi. Bác Ái thấy Quảng Giao day lại, không còn thế chọc ghẹo được, mới cười lớn rồi giựt cuốn sách mà hỏi rằng:
– Học giống gì đây anh?
– Đọc bậy pháp quốc văn học chơi vậy mà.
– Anh giỏi quá! Trời này mà đọc sách được chớ. Tôi có tánh kỳ, hễ trời mưa tôi buồn, chẳng hề khi nào tôi học được.
– Tôi cũng vậy, nãy giờ đem sách lại ngồi đây chớ có đọc được câu nào đâu.
Bác Ái ngồi kề một bên Quảng Giao, tay lật sách lia lịa, dòm ngó láo liên một hồi rồi để dẹp cuốn sách lại một bên nói với Quảng Giao rằng:
– Bữa nay còn có 4 tuần lễ nữa tới ngày thi anh há?
– Ừ.
– Anh nhớ đến ngày thi anh sợ hay không?
– Sợ giống gì?
– Thiệt, học như hai anh em mình đây đi thi thì cũng ít sợ. Ngặt chừng thi có học trò mấy trường khác vào thi chung với mình, bởi vậy tôi còn lo một chút.
– Lo sao? Họ thi phận họ, mình thi phận mình, hễ làm bài đủ số điểm thì đậu, chớ có họ rồi họ bớt điểm mình được hay sao mà lo.
– Không phải! Tôi lo là lo họ giựt thứ nhứt, thứ nhì rồi mất danh tiếng tụi Chasseloup mình chớ.
– Ối! Hơi nào mà lo! Miễn là đậu thì thôi, thứ nào lại làm chi.
– Anh nói vậy sao phải, hai anh em mình phải rán đặng giữ danh cho trường mình chớ.
– Thi thì phải rán chớ sao, mà tôi biết tôi giựt thứ nhứt không được đâu.
– Sao vậy?
– Tại cái mạng tôi không có, học thì học chớ không khi nào giành thứ nhứt được đâu.
– Mạng là cái gì? Anh khéo nói thì thôi!
– Vậy chớ anh không thấy hay sao? Mấy năm học trong lớp có thua ai đâu, mà mấy lần thi có lần nào tôi đứng thứ nhứt đâu nào?
– Tại anh tin tưởng mạng vận quá nên xuôi xả như vậy đa. phải chi anh sốt sắng, trong trí cứ tính tranh thứ nhứt hoài, thì ắt phải được chớ gì.
– Hứ! Anh nói hơi Tây hoài! Con người ta ai lại không có mạng vận. Anh nói không có mạng, vậy chớ kỳ thi năm ngoái anh Hà Tấn phát học giỏi, ai cũng chắc ảnh đậu đầu, mà ảnh lại rớt đi, còn anh Nguyễn Văn Cảnh ảnh học dở mà lại cà lâm, ai cũng tưởng ảnh rớt, mà sao ảnh lại đậu?
– Ấy là tại may rủi chớ mạng số gì. Anh phát ảnh rớt là vì lúc thi toán rủi ảnh tối tăm mày mặt, làm toán trật hết, nên ảnh mới rớt chớ.
– À! Ảnh giỏi toán sao chừng thi môn ấy anh tối tăm mày mặt, làm không được, vậy không phải tại phần số của ảnh hay sao?
– Mình học Tây mà nói số mạng nghe kỳ quá!
– Ủa! Học Tây là học, chớ cái óc của mình là óc Việt Nam làm sao mà đổi được.
– Anh nói nghe tức quá, nín không được. Học là cái gì? Con người đi học là cố ý muốn mở trí khôn cho rộng đặng biết chỗ nào là chỗ tốt, chỗ nào là xấu, sự nào là sự phải, sự nào là sự quấy, điều nào là điều hay, điều nào là điều dở, rồi chừng thành nhơn ra xung đột với đời, mình khỏi thua sút thiên hạ. Thuở trước ông bà mình học chữ Tàu, sách Tàu thì chuyên dạy lễ nghĩa, đạo đức mà thôi, bởi vậy ông bà mình học rồi trí thâm nhiễm lễ nghĩa, đạo đức đến đỗi thấy việc chi có lợi thì sợ phi nghĩa nên không dám làm, bị ai hiếp đáp thì sợ thất lễ nên không dám cự, vì vậy, nên mối lợi mới để cho họ giành hết, mới bị người ta hiếp đáp bấy lâu nay đó. Anh nghĩ anh thử coi, cái óc của người mình như vậy không nên rửa cho sạch rồi sơn màu khác cho nó mới hay sao? Bọn chúng ta đây may thoát khỏi vòng cựu học rồi chúng ta học theo pháp quốc giáo dục. pháp học là một môn học rất mới, rất hay, đã giúp mở trí khôn mà lại giúp con người có nghị lực, có can đảm biết tốt xấu, biết quấy phải, nghĩa là hễ học thành rồi thì con người có thể tranh cạnh lợi quyền, có thể đối đãi với đồng loại. Hễ học thì phải hành, mình học theo chữ pháp thì phải rán mà làm như người pháp, nghĩa là cư xử, đi đứng, làm ăn, tính toán, suy nghĩ, mỗi mỗi đều phải làm cho giống người phápmới được, chớ anh học chữ pháp mà anh cứ làm theo xưa, cứ nói hơi xưa hoài, thì khó coi quá mà.