Giới Thiệu Mộng đời bất tuyệt
Có ước mơ và thiết tha thì sẽ có một ngày, lúc đầy đủ điều kiện ngoại cảnh hội tụ, sức sống và vẻ đẹp sẽ trờ thành hiện thực như cành thông, cành đào, cành mai đã khoe sắc giữa mùa đông. Còn người vẫn sẵn sàng quên những thương tổn của mười hai tháng qua, của một đoạn đời mấy mươi năm qua để sống với khát vọng của mình. Phải chăng mỗi chúng ta vẫn vui lòng, vẫn tha thứ, mỗi chúng ta đều có một “mộng đời bất tuyệt”?
Mộng Đời Bất Tuyệt không phải là một cuốn tiểu thuyết có cốt truyện, mà chỉ là một tập tùy bút mỏng hơn trăm trang về những chuyến đi trên khắp thế giới của tác giả. Với lối văn nhẹ nhàng, gần gũi, có chút gì đó dân dã, Nguyễn Tường Bách đưa chúng ta đi cùng ông lang thang qua nhiều vùng đất, với những góc nhìn thiết tha yêu đời và đâu đó man mác nỗi niềm riêng tư. Cũng như những tùy bút cùng loại về những chuyến đi, ở mỗi nơi, ông nắm bắt những nét độc đáo và tinh tế nhất về cảnh vật, về văn hóa. Nhưng nét độc đáo của tùy bút này, như một lời nhận xét ở một bài báo, là “Đi và nhớ”. Có lẽ do xuất phát từ một trái tim đa cảm, chứa đầy thương nhớ của một người con tháng năm dài xa xứ, nên ở bất kỳ nơi nào đặt chân đến, ông đều tìm thấy một điểm gì đó tương đồng và gợi nhắc về quê hương.
Một điểm đặc sắc khác của Mộng Đời Bất Tuyệt chính là do tác giả vốn gắn bó với Phật giáo nên những trang sách đều thấm đẫm tinh thần và triết lý đạo Phật.
Nguyễn Tường Bách sinh năm 1948 tại thành phố Huế. Đến năm 1967 ông lên đường du học, sau đó sinh sống và làm việc tại CHLB Đức trong suốt một thời gian dài. Chính năm tháng tuổi trẻ xa xứ, đã hình thành trong ông góc nhìn đa cảm và nỗi lòng hoài hương thấm đẫm trong từng trang viết. Ông được biết đến như một trong những người viết văn, dịch thuật nổi tiếng, với nhiều tác phẩm đã xuất bản trong nước và được đông đảo công chúng đón nhận, như: Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai (sáng tác); Đạo của vật lý, Đối diện cuộc đời, Thiền trong nghệ thuật bắn cung, Con đường mây trắng (biên dịch)…
Không phải là nhà sinh vật để phân loại ve sầu thuộc họ nào trong loài sinh vật, dù có biết có lẽ tôi cũng chẳng cần nói ở đây vì điều đó thật vô nghĩa. Đối với tôi ve sầu đơn thuần là một chàng ca sĩ không biết mệt mỏi. Đó là một chàng Trương Chi kiểu mới, có hình dáng xấu xí như một con ruồi không lồ, không màu sắc không trau chuốt. Ve sầu cũng không được như Trương Chi, giọng hát không lấy gì làm hay, nó chỉ biết hát không biết chán chê. Thế mà tôi vẫn nhớ ve sầu.
Tôi cho rằng ai đặt tên “ve sầu” là oan cho nó. Tiếng hát của ve không “sầu” tí nào. Có lẽ có chàng thi nhân thất tình nào đó, buồn cuộc đời, nghe tiếng ve thấy “sầu” chẳng? Cũng có thể có ai làm thơ, nghĩ thêm chữ “sầu” cho hợp vần, hợp điệu? Theo tôi tiếng ve là một thứ âm thanh dũng mãnh, dài hơi và đầy sức sống. Tôi cảm nhận như thế vì tiếng ve sầu hay đi chung với hình ảnh mùa hè rực nắng. Quê tôi xứ Huế mùa hè vốn thường im lặng, một thứ im lặng mà trẻ con như tôi thấy nao lòng nhưng không biết vì sao. Trong cái im lặng da diết đó, tiếng ve thường cất lên khi chúng tôi nằm dỗ giấc ngủ trưa. Trước sau tiếng ve chỉ có vỏn vẹn một nốt nhạc, gần như tiếng của sự im lặng vốn cũng chỉ có một thanh âm duy nhất, nhưng trong trẻo và cao hơn tiếng ve. Trong gió lách qua các thân chuối trong vườn ông bà ngoại tôi không át được tiếng ve, thứ tiếng hay đưa tôi giấc ngủ trưa thừa thãi vì ở xứ Huế, buổi trưa không ngủ thì không biết làm gì.
Vào Sài Gòn dưới tuổi hai mươi, tôi không còn nghe tiếng ve sầu nữa. Bao điều xáo trộn của tuổi mới lớn, của học hành thi cử, của mộng viễn du đã xóa nhòa trong tâm trí tiếng ve sầu bền bỉ của ngày xưa. Vả chăng, đất Sài Gòn cũng không phải đất dụng võ của loài ve, chúng cần cây cối, bóng mát và như mọi nghệ sĩ khác, chúng cần người nghe. Không ai thèm nghe đâu tiếng ve lạc điệu giữa thành phố Sài Gòn, nếu có chàng ve nào lạc loài bay đến. Cũng có đấy vì thỉnh thoảng tôi thấy có người bắt ve bán trẻ con chơi, mỗi lần thế tôi thoáng thấy lòng xúc động rồi thôi.
Ở Sài Gòn thỉnh thoảng tôi được ngủ trưa, không cần tiếng ve mời gọi. Tiếng ồn ào của xe cộ, của xe xích lô máy – một thứ xe không hề có trong xứ Huế tĩnh mịch – đã trở thành âm thanh thông thường của cuộc sống. Trở về xứ Huế, chúng tôi thường than xứ mình sao buồn, về thăm thì được, về ở thì không. Hình như chúng tôi đã lấy tiếng ồn làm thói quen trong đời sống, làm thước đo của tiến bộ.
Tôi hăm hở ra nước ngoài, mong mình sẽ ở trong những cao ốc ngất trời, phía dưới xe cộ chạy nườm nượp, đèn đuốc sáng rực, người đi như thác đổ. Tôi mong mình được sống trong một nước công nghiệp tiên tiến, nhà bê-tông, đường tráng nhựa, với truyền hình, điện thoại cá nhân. Trong trí tôi không hề có chỗ cho cây lá, nói chi đến chàng ve xấu xí ngày xưa. Các cao ốc sáng rực kia phải là dấu hiệu của nền văn minh, xe cộ nối đuôi nhau là niềm vui của sự tiến bộ. Nếu không phải thế thì tại sao người ta gửi bưu thiếp từ nước ngoài về, hãnh diện khoe chỉ toàn những cảnh đó?