Giới Thiệu Mở Rừng
Tháng Tám. Đang mưa rừng, mưa li bì như một người lên cơn sốt, mưa dai dẳng tràn ngập một cảm giác đất rừng này toàn nước. Trông những cây lim uy nghi, cây bông tàu rắn trắng những tưởng vục cái mũ sắt vào đấy là đầy mũ nước. Tiếng bom, tiếng máy bay bị dìm dưới nước, còn tiếng hai con chim “anh em” tan loãng mà suốt đêm gọi nhau vẫn tha thiết: “Đắp tát!” – “Ta đi” – “Ta đi”… Nhưng vẫn một trời nước mung lung và hàng trăm đêm đôi chim nọ còn kiên nhẫn tìm nhau đi “Đắp tát”.
Năm ngoái thượng tá Nguyễn Quang Văn thức trọn một đêm mưa, sáng ra ông bảo: “Mùa này, cái bào thai sẽ đẻ ra các dũng sĩ mùa khô đấy các cậu ạ”.
Mùa mưa năm nay ông rời Bộ Tư lệnh mặt trận xuống binh trạm 120 trực tiếp làm chính uỷ. Ông ra đi từ rừng, vòng xuống đồng bằng để lại vào rừng. Đứng ở đồng bằng nhìn về rừng, nơi sẽ đến, mãi xa trong mây mù phía bên kia biên giới. Hai chiến sĩ cùng đi với ông: cậu Vũ lái xe, còn cần vụ tên là Chí Thú. Đã ba đêm rồi chiếc xe con mở cửa ở phía sau vẫn chưa qua được phà Rồng. Cũng như mọi chiều, hôm nay ba “cha con” ba khuôn mặt cùng ngóng đợi những nỗi phỏng đoán vu vơ như một ý nghĩ hình như khác nhau nên cả ba đều lặng lẽ từ nơi giấu xe ra bến. Hết đoạn đường nhựa, ba người toẽ ra như kiểu dàn đội hình, mặt quay về núi, cả ba đều lầm lẫm đi xuống lợi nước.
Vòm trời nung sủi ùng ục những thỏi kim loại trắng loa loá, nhọn hoắt chao lạng. Tiếng nổ của bom, tiếng đất vỡ ra, tiếng những cột nước đổ, rất ít phút mảng trời xanh và nước cũng xanh được liền lại mà chỗ ba người đứng lặng quá, lặng lẽ khiến tiếng thở dài của Thú “con người nhiều lo toan” đứng cách hai, ba mét chính uỷ cũng nghe thấy. Ông ngẩng mặt, tránh cái nhìn làm cậu ta lúng túng, khuôn mặt đăm đăm của ông như áp lại với núi. Ở mãi xa kia chỉ thấy trắng mù. Đỉnh Phù Lã, đỉnh Cô Hà cao vọt đến tận trời đều bị nước ngầm Ông Thao dâng lên làm ngập hay sao mà chỉ toàn thấy nước. Cả khối nước mòng mọng phía ấy như đã đổ ra quanh người khiến khuôn mặt tròn của ông se lại và đôi mắt hơi khép mờ mờ. Khuất sau những đỉnh núi kia, cách Trường Sơn Tây hơn một trăm cây số là nơi trung đoàn 60 công binh đang bắt đầu chiến dịch mở đường. Đảng uỷ trung đoàn thấp thỏm liệu mỗi chiến sĩ của họ có được ăn hai lạng gạo một ngày hay không? Điện khẩn cấp của các chiến sĩ trường B2, B5, chiến trường Y, chiến trường H cần gạo, đạn và hàng trăm thứ khác. Hầu hết các bức điện đều yêu cầu cho biết ngay thời gian và kết quả. Tiễn ông xuống bờ suối, cả chính uỷ và tư lệnh trưởng đều hỏi: “Liệu có quá sức nó không anh?” Lúc ấy ông chưa dám trả lời, giữa mùa mưa trầy trụt này binh trạm 120 lại phải vận chuyển lượng hàng bằng hai mùa khô vừa qua là quá sức lắm lắm. Nhưng cũng không thể nói là không làm được khi đã biết hàng vạn chiến sĩ đang ngóng chờ ở Bộ Tư lệnh và Bộ Tư lệnh chờ sự cố gắng đột xuất của binh trạm “thép”, cái mắt xích của tuyến đường này. Bao nhiêu lo toan, bao nhiêu dự định xiết chặt vào ý nghĩ của ông. Ông vẫn đi hơi cúi và chậm trên các mỏm đá lô xô ở lợi nước.
Cách ông vài chục mét anh lái xe sẵn tính hài hước và lanh lợi đang mỉm cười thú vị. Anh ta bằng lòng với mình rằng đã nhận ra toàn bộ những dáng dấp và tính nết của người chính uỷ mới quen. Đó là một người “đẹp lão” hơi lùn, hai nhánh lông mày to chườm cả xuống mi mắt. Tóc ông còn xanh nhưng chòm râu lúc chưa cạo lại thấy lốm đốm những sợi úa nỏ. Lớp da mặt xám phệu xuống và vành môi hằn thâm một vệt như sơn mà phía trong đó lại đỏ hồng, chứng tỏ đã nhiều năm ở với rừng. Rõ ràng là một người nhân hậu mà chắc. Nhưng, như thế có phải đơn điệu về cá tính không nhỉ? Anh vội vàng ngoảnh đi khi bắt gặp cái nhìn âu yếm của chính uỷ. Dù đã từng mang tiếng ngang bướng không thèm nghe ai khen, chê một người thứ ba khi mình chưa được chứng kiến, đến lúc này anh lại chấp nhận những điều Chí Thú “thuyết trình” trong hai buổi tối về những đức độ của chính uỷ một cách dễ dãi.
Ba người vẫn lặng lẽ đi toẽ ra và ba ý nghĩ không hề ăn nhập với nhau.
Lúc chính uỷ lo lắng về cái binh trạm 120, về những đòi hỏi nặng nề trong mùa mưa thì cần vụ của ông cũng đôi mắt mơ màng, cũng khuôn mặt đăm đăm đau khổ nhìn vào dãy núi ngập nước và nghĩ rằng: “Đã ba ngày nay chính uỷ chỉ ăn mỗi bữa một bát cơm vì thiếu rau, mà ông lại không ăn được cá hộp. Đêm nay chưa được qua phà, ngày mai phải nhờ ông Vũ “tán” cô cửa hàng đổi hai hộp cá lấy rau muống hoặc rau lang vậy. Rau hiếm lắm, nhưng mồm mép ông ấy chắc là tán được. Chỉ trông thấy lính Trường Sơn vẫn đẹp trai thế, các cô đã tít mắt rồi làm gì chả đổi được vài nắm rau. Nhưng cái tính của ông Vũ chán bỏ mẹ. Ăn uống thì “xung phong” mạnh mẽ mà ngại “vật chất tầm thường”. Xấu hổ quái gì chuyện đó kia chứ. Thôi được, ông chỉ cần đi với tôi cười nói lúng liếng hộ tôi còn tôi sẽ mang hộp cá đi, đem rau về, ông không phải đụng đậy gì vào nó cả. Chỉ ở đây tôi mới phải nhờ ông, còn vào rừng a, dứt khoát tôi có măng, măng ninh, măng gói giò với thịt hộp, tôi có vô số rau, thả cửa mà hái rau. Bỗng khuôn mặt non nớt của cậu động đậy, hai khoé môi nhọn ra và đôi mắt lim dim, cậu ta cười, cười trong bụng và khắp người rộn rực. Cậu vẫn nhìn, cái nhìn như sắp sửa bật ra lời thầm thì với rừng. Chao ơi, đằng sau lớp mây mù kia sẽ là rau, hàng trăm thứ rau như đang hiện lên cái màu xanh óng ánh trong đôi mắt, hàng trăm thứ rau như đang xông lừng mũi, đang chua, đang đắng ngăm ngăm ở đầu lưỡi, đang mát ngất ngây ở tận đáy ruột. Ừ, cái anh lá nhội phải thái nhỏ xào thịt hộp, lá chân ếch xanh như mạ vò nấu canh bảo đảm thơm không kém gì ốc nhồi nấu chuối có tí xương sông. Anh đơn buốt luộc làm dưa, còn thân với lá già sắc cho thủ trưởng uống giải nhiệt, giải độc và chữa bệnh kiết lỵ. Rồi rau rớn, cần trời, chua bò và đùng đình… chỉ sợ thủ trưởng không có sức mà ăn rau trừ.