Giới Thiệu Miền Đất Huyền Ảo
Mùa Xuân năm 1950, tạp chí Pháp Á đã ra một số đặc biệt dày dặn (số 49-50), giành riêng giới thiệu trọn công trình nghiên cứu về Các dân tộc miền núi Nam Ðông Dương của một tác giả ký tên là Dam Bo. Các dân tộc miền núi Nam Ðông Dương là cách Dam Bo dùng để nói về những con người mà ngày nay chúng ta gọi là các dân tộc Tây Nguyên [1] .
Về sau, người ta sẽ biết rằng Dam Bo chính là bút danh của một trong những nhà Tây Nguyên học say mê nhất và nổi tiếng nhất: Jacques Dournes. Ông sống ở Tây Nguyên gần suốt ba mươi năm, am hiểu sâu sắc hàng chục dân tộc thiểu số ở đây, nói thành thạo ngôn ngữ của họ, và đã viết hàng chục công trình có thể coi thuộc số những công trình nghiên cứu cơ bản nhất về Tây Nguyên cho đến ngày nay. Trong số đó có những công trình được coi gần như là “kinh điển” trong khoa nghiên cứu về Tây Nguyên, như các cuốn “Potao, một lý thuyết về quyền lực ở người Giarai Ðông Dương”, “Men theo những lối mòn của con người trên cao nguyên Việt Nam”, “Nri, sưu tập luật tục của người Srê vùng Ðồng Nai Thượng”, “Tôn giáo của người miền núi vùng Ðồng Nai Thượng”…, và đặc biệt cuốn sách cuối cùng tuyệt vời của ông “Rừng, Ðàn bà, Ðiên lọan, hành trình qua miền mơ tưởng Giarai”.
Thấm đượm trong các nghiên cứu của Dam Bo-Jacques Dournes là một tinh thần khoa học nghiêm túc, trên cơ sở những quan sát chăm chú, tỉ mỉ, cẩn trọng, những so sánh và luận giải chặt chẽ, thấu đáo, những phân tích luôn cố gắng hết sức khách quan, đi đôi và hòa quyện với một tình yêu sâu sắc và một sự kính trọng chân thành đối với đối tượng nghiên cứu của mình: những con người Tây Nguyên, cái thế giới vừa vô cùng sâu xa, thăm thẳm trong Truyền thống minh triết lâu đời của họ, vừa lại rất mong manh, rất dễ bị đổ vỡ, bị xéo nát trước những thách thức hung bạo của sự phát triển hôm nay.
*
Trong khi đọc công trình nghiên cứu vừa nghiêm túc vừa say mê như một bút ký dân tộc học, một kiểu tác phẩm văn học độc đáo này, chúng ta luôn nhớ rằng nó đã được viết ra cách đây hơn nửa thế kỷ. Từ đó đến nay, trên vùng đất này đã diễn ra biết bao nhiêu biến động dữ dội, tác động mạnh mẽ đến toàn bộ cuộc sống và con người ở đây. Nhiều sự kiện đã được soi sáng dưới những góc nhìn mới, do đó có thể được nhìn nhận và giải thích theo những cách mới, sáng rõ và chân xác hơn. Một số nhận định, ước thuyết của tác giả đã bị vượt qua, hoặc được đính chính lại, một số hiểu biết mới được bổ sung, do những nghiên cứu mới trong suốt thời gian từ đó đến nay. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể nhận ra ở tác phẩm của Dam Bo không chỉ những tư liệu vô giá ngày nay hầu như không còn có khả năng tìm thấy được nữa, mà hơn thế rất nhiều, một số vấn đề cơ bản tác giả đặt ra về sự phát triển của xã hội và về số phận con người ở đây có thể nói vẫn còn nóng hổi tính cập nhật. Về một phương diện nào đó, công trình nghiên cứu công phu và đầy nhiệt tâm này đã vượt qua được sự thử thách của thời gian, và không hề lạc hậu.
* Dam Bo viết: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu”. Bài toán về sự phát triển của các dân tộc Tây Nguyên trong thời đại và trong thế giới ngày nay, như chúng ta đều biết, không hề là một bài toán đơn giản, dễ dàng. Chắc hẳn chúng ta cần cả hai vế trong mệnh đề trên của Dam Bo, nếu chúng ta thật sự tha thiết muốn góp phần giải quyết bài toán khó ấy của Tây Nguyên hôm nay. Cần phải yêu, một tình yêu đầy kính trọng và cả ưu tư như Dam Bo đã yêu đối với đất nước và con người Tây Nguyên để có thể hiểu nó một cách thấu đáo, đặng có thể xử lý những câu hỏi không hễ dễ dàng đặt ra vừa bức bách vừa lâu dài, cơ bản ở đây. Và để có được một tình yêu như vậy, thì lại phải chăm chú, tận tụy chăm chú hiểu nó, mảnh đất và con người ở nơi này, trong tất cả các chiều sâu tinh tế của nó, như tác giả của cuốn sách này, một con người không phải là người Việt Nam mà đã bỏ gần cả ba mươi năm, và là những năm dồi dào sức lực, trí tuệ nhất, những năm quý giá nhất của đời mình để cố tìm hiểu và yêu nó.
Ðưa công trình này của Dam Bo đến với bạn đọc, người dịch mong mỏi góp một phần nhỏ vào việc xây dựng sự hiểu biết và tình yêu đó.
Nguyên Ngọc