Giới Thiệu Mẫu Thượng Ngàn
Trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tục thờ Mẫu chỉ có ở Việt Nam, bắt nguồn từ thời kỳ mẫu hệ ở nước ta đã từng tồn tại cách đây cả ngàn năm.
Vì sao dân ta lại thờ Mẫu, tức thờ Mẹ? Mẹ đây không chỉ người sinh ra dân tộc mà còn là những nguồn sống nuôi dưỡng cả một dân tộc. Cứ quan sát các điện thờ là lý giải được xuất xứ của tục thờ này. Trong điện thờ Mẫu thường thấy bày ba pho tượng: Một vị mặc áo xanh tượng trưng cho mẹ trời, một vị mặc áo vàng tượng trưng cho mẹ đất, một vị mặc áo trắng tượng trưng cho mẹ nước. Trời, đất và nước là nguồn gốc của sự sống. Điều đó được giải thích rằng từ thời hoang sơ huyền sử con người đã phải dựa vào núi rừng, hang động, sông suối để tồn tại. Ăn thì có lá cây, hoa quả, các loại củ rừng. Ngủ phải làm chòi trên cành cây cao để phòng thú dữ. Vì vậy từ xa xưa dân ta đã tôn vinh rừng cây như một vị thần hộ mệnh. Tới khi con người tiến hóa lại men theo các khe lạch ra các suối lớn để săn bắt cá kiếm ăn rồi lần hồi tới các dòng sông và các lưu vực bằng phẳng, dựa vào sông nước đất đai để canh tác, trồng tỉa lúa ngô khoai sắn làm lương thực. Vì vậy người xưa tôn vinh các nguồn nuôi sống mình là Mẫu, là mẹ, là các vị thần linh cứu mệnh.
Người đàn ông đã đứng tuổi, mặc bộ quần áo nâu bạc phếch, vai đeo cái đẫy cũng bằng vải nâu trên có những miếng vá bằng vải đen, đang rảo bước trên con đường đá gan gà chạy dọc theo chân một dãy đồi. Những quả đồi thấp như bát úp, cây cối rậm rịt tạo thành một khu rừng tạp xanh tốt. Có những cây cao đầu phủ dây tơ hồng như đội mớ tóc giả màu vàng nuột nà; đám tơ hồng được ánh sáng chiều chiếu vàng, chúng như những cái đầu hãnh điện rung rinh để làm duyên cho khu rừng.
Người đàn ông dáng nôn nóng, hối hả, không giấu được vẻ háo hức, sung sướng khi ngắm cánh rừng và nhất là khi ngắm cái hồ lớn xanh ngắt nằm giữa vòng vây của núi đồi. Cái hồ xanh lục, như một tấm gương trời bao la, thu hình những ngọn đồi, những cánh rừng xung quanh, in bóng cả những cánh chim trời thỉnh thoảng lại xáo xác vỗ cánh bay vút lên từ một đám lau sậy ven hồ; chúng lượn vòng, lặng im không vỗ cánh, nương theo gió mà nghiêng nghiêng đầu, chăm chăm nhìn làn nước xanh như thể muốn tự chiêm ngưỡng cái dáng thon thả và bộ lông màu trắng duyên dáng và tinh khiết thêm cái mào đỏ rực rỡ của mình. Người dân ở đây bảo đó là loài hạc quý chẳng biết có đúng hay không.
Một cô gái chừng mười ba tuổi, váy đen, áo nâu, vấn khăn còn vụng để tóc lõa xõa trước mặt. Cô đi sau người đàn ông, vai quẩy chiếc đòn gánh ở hai đầu là hai chiếc bị rách. Cô gái kêu lên:
– Thầy ơi? Nghỉ lát đã, con mỏi chân lắm rồi.
Người đàn ông tóc hoa râm dừng chân lại, hiền từ nhìn con gái. Hai cha con ngồi bệt xuống vệ cỏ, mắt nhìn ra hồ.
– Đã về đến quê rồi hả thầy? – Cô con gái hỏi.
– Đã hai chục năm rồi, nhưng cảnh chẳng khác xưa mấy tí. Hồ này tên là hồ Huyền vì nước sâu màu đen. Tuy thế nhưng nước trong lắm. Ở phía Tây hồ có con sông, hồ thông với sông. Sang bên kia sông, ngọn núi phía đầu dòng là núi Mẫu, trên đó có đền thiêng. Ngọn núi phía dưới dòng là núi Đùng, Ở đó có nhiều chuyện lạ.
Người cha như hồi tưởng, cố lục tìm trong trí nhớ để kể cho con gái nghe về vùng quê cha đất tổ.
– Thế còn làng mình…