Giới Thiệu Máu Đào Nước Lã
Là một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, tôi đã từng nếm trải rất nhiều bất hạnh, nhưng tận bây giờ tôi vẫn thấy không bất hạnh nào to lớn quá sức chịu đựng cho bằng chuyện tôi bị rời khỏi ghế nhà trường quá sớm.
Ngay từ thuở ấu thơ, trong lúc trẻ khác trạc tuổi tôi còn đang ngủ vùi trong chăn ấm thì tôi đã biết dậy sớm là thế nào rồi. Trong lúc trẻ khác còn vòi quà mẹ, tôi đã biết thân phận mình: lo lảng tránh mỗi khi mợ phát quà cho các con của mợ.
Đi học về, tôi lo cắm cúi rảo bước trước anh Hùng – con của cậu mợ tôi, cùng lớp và cùng tuổi với tôi – để về nhà lau bát, dọn bàn.
Ngày nghỉ, tôi lo ra vườn quơ củi để dành thổi nấu trong tuần. Mùa gặt, tôi phải ra ruộng, thức đêm canh lúa y như những người lớn. Tôi không cho là khổ vì phải làm những việc đó, nhưng khổ tâm vì không một ai dành cho tôi chút cảm tình, nên thường nhìn trẻ nghèo khác được cha mẹ thương yêu – dù chúng đói, khổ hơn tôi – một cách thèm thuồng.
Làm sao để bạn biết rằng tôi thèm khát đến bậc nào, thiết tha đến bậc nào một ánh mắt dịu dàng, một nụ cười âu yếm, một lời sai bảo từ tốn chứa đầy niềm thân ái, tin yêu?
Nếu tôi nhớ không lầm thì trọn thời kỳ đó chưa lần nào tôi được một bàn tay ai đặt lên mớ tóc bù rối, chưa hề có cái diễm phúc nghe được một lời trìu mến, chưa được hưởng một cử chỉ săn sóc nào ban cho cả.
Tôi rất ghét, ghét đắng cay những bài tập đọc, bởi vì trong đó hình vẽ và câu chuyện toàn trái ngược với tình cảnh tôi, nào: “Cha Tý đi làm về thì mẹ và chị cũng vừa dọn cơm xong. Cả nhà ngồi ăn vui vẻ. Cơm sốt, canh nóng, bát đũa sạch sẽ cho nên dù chẳng có gì cao lương mỹ vị”… Nào là: “Cơm nước xong, trời vừa tối, ngọn đèn treo thắp giữa nhà. Cha ngồi đọc báo, mẹ và chị kim chỉ vá may. Tôi học bài, hai đứa bé nhất thì đang nghe bà kể chuyện cổ tích. Cảnh gia đình sum họp v.v…”…
Vâng! Tôi ngấy lắm. Thế nhưng mà, tôi lại thích, mê là đằng khác những cún sách hồng nho nhỏ, xinh xinh của các anh chị mà tôi đọc trộm. Tôi thấy như thiên đường mở rộng qua những trang sách đó. Tôi đọc say sưa, tưởng như mình là người trong truyện, được cha mẹ, thầy bạn thương yêu; có anh chị, em út để mà vui đùa chạy nhảy tung tăng. Những câu chuyện cắm trại, câu cá, những tấm gương can đảm, hy sinh, thế giới tin yêu, thân mến trong những trang sách ấy quả đã an ủi và giúp tôi rất nhiều. Trong đó có cha hiền, mẹ đảm, chị tốt, em ngoan. Trong đó mọi người đối với nhau rất mực hiền hòa, thân ái. Trong đó các nhân vật ăn nói sao mà thân mật ngọt ngào. Những người lớn thì gọi lũ trẻ bằng “em”, bằng “con”, bằng “cháu” toàn là những tiếng mà tôi khao khát ước ao song chẳng bao giờ được nghe, được nhận. Quả như vậy: tôi chỉ nghe những tiếng cộc cằn, những lời thô lỗ, những câu sai bảo luôn phát ra bằng cái giọng hung hãn, dữ dằn. Tôi chỉ bị nhìn bằng những tia nhìn bỏng như lửa, sắc như dao, và luôn luôn tôi phải cúi gầm mặt xuống để lẫn tránh những tia mắt đầy ác cảm ấy, mỗi lần nghe gọi đến tên. Bởi lẽ đó, tôi bị coi là đứa trẻ điêu trá nhất, gian dối nhất mà người ta chưa từng gặp trên đời. “Những người ngay thẳng, lương thiện không tránh ánh mắt kẻ đối diện bao giờ”. Người ta bảo thế.
Tâm hồn non dại của tôi tựa như những sợi dây đàn căng thẳng mà người ta không kể gì đến tiết tấu, âm điệu, nhịp nhàng…
Mợ thì dĩ nhiên là chẳng thương tôi, song tôi ngạc nhiên mà nhận rằng chính cậu tôi cũng tỏ ra rất tiết kiệm một lời ôn tồn đối với đứa cháu mồ côi. Các con cậu mợ tôi, người nhỏ thì đối xử tàn nhẫn tôi không hề trách móc – vì tôi nghĩ rằng các anh chị ấy còn bé dại – nhưng tôi không khỏi tủi thân thấy đến các chị lớn cũng không chút lòng thương đối với đứa em bất hạnh.
Tôi thường hay mủi lòng, dễ khóc, một cớ làm cho cả nhà càng thêm ghét bỏ và chì chiết bằng giọng mỉa mai rằng tôi điêu trá. Mợ tôi thường ví “nước mắt đâu mà nhiều như nước đái” làm tôi càng thêm tủi thân.
Về sau, tôi nghiến răng chịu đòn, bịt tai lại trước những lời mỉa mai cay độc cho đỡ khổ; như vậy tôi lại được coi là quân lì lợm, mặt sứa gan lim! Người ta còn tiên đoán về sau tôi sẽ trở thành “tên gian hùng” giống thằng cha nó! Thằng cha nó! Đó là ba tiếng cả nhà thường dùng để nhắc đến cha tôi, người mà tôi hết lòng mến yêu, kính trọng.
Tận giờ đây, tôi vẫn còn lạ lùng, khó chịu khi nhớ lại ác cảm của gia đình cậu mợ đối với cha tôi. Nghĩ đến cha tôi, trong óc tôi thoáng hiện một người đàn ông khoảng trung niên, với vầng trán cao, chiếc cằm vuông, hai hàm răng trắng bóng và đều đặn như những hạt ngô vừa bóc vỏ. Song đặc biệt, tôi không bao giờ quên được đôi mắt của cha tôi, đôi mắt sâu thăm thẳm, không hẳn đen và cũng không hẳn nâu, ẩn dưới hai hàng lông mày rậm, dài và hơi xếch về phía thái dương, trông càng nghiêm nghị. Cha tôi thường mặc áo dài đen, quần trắng, ngay cả cái đêm kinh hoàng có cả hàng chục người lạ mặt xông vào nhà lục soát và bắt cha tôi… và ngay lúc đó, cha tôi vẫn giữ được cái phong thái ung dung điềm tĩnh.