Giới Thiệu Mảnh đất lắm người nhiều ma
Mảnh đất lắm người nhiều ma là một tiểu thuyết viết về nông thôn. Tác giả đã chủ động làm bộc lộ qua những trang viết một nông thôn có nhiều chuyển động, xáo trộn, đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, tranh chấp nhau giữa các thế lực. Nông thôn ta đã trải qua cải cách ruộng đất đánh đổ địa chủ rồi hợp tác xã nông nghiệp, nhưng tư tưởng phong kiến vẫn còn rất nặng nề. Cuộc xung đột giữa cánh này, cánh kia, mượn danh đoàn thể, đảng, đoàn thể đấu nhau thực chất là cuộc xung đột giữa các dòng họ, các gia đình mang nặng tư tưởng và lề thói phong kiến cũ. Người dân không phát huy được quyền làm làm chủ, tư tưởng dân chủ bị vi phạm.
Nếp suy nghĩ và đạo lý phong kiến lại mang bộ áo mới của tư tưởng và đạo đức cách mạng. Lớp người mang nặng tư tưởng trên không phải chỉ là người già mà chính là lớp người đang nắm quyền lực, đang hoạt động như Thủ, Phúc, Hàm… Điều đáng quý là ở nông thôn đã có lớp thanh niên mới như Tùng, Đào, Minh. Họ là những người không bị ràng buộc bởi tư tưởng và định kiến cũ, sống thanh thản, dễ hòa hợp. Mảnh đất lắm người nhiều ma – ngay tên tiểu thuyết đã gây cho người đọc một sự tò mò. Đúng là một mảnh đất lắm người nhiều ma, ma thật, ma giả, âm dương lẫn lộn… nhưng cuối cùng thì thế giới ma quỷ đã rơi vào khủng hoảng dữ dội để tự hủy diệt do những xung đột của chính bản thân nó.
Không dè cái đói giáp hạt này lại có đủ móng vuốt nhảy xổ vào cả xóm Giếng Chùa, xóm vẫn quen đứng đầu về cái sang cái giàu toàn xã. Nơi đây nếu tính từ phía bắc xuống, là địa danh cuối cùng của đất trung du. Có đủ sông ngòi đồi sim: ruộng lúa. Làng vẫn còn khung cổng tiên cổng hậu như hai ụ súng ở đầu bắc và đầu nam. Những phiến đất nung màu gan gà vừa to vừa dày ốp khít vào nhau, chắc đến đập không vỡ. Con đường chính giữa làng dài một cây số được lát bằng gạch vồ mua từ dưới Hương Canh – Vĩnh Phúc, mà lát nghiêng, nên bây giờ vẫn chắc khừ. Có số gạch lát đường này là bởi ngay xưa làng có lệ mỗi đám cưới phái nộp 200 viên. Trai làng lấy gái làng nộp 200 thế tức là môi bên có một trăm viên thôi. Nhưng nếu trai gái làng đi lấy vợ chồng ở đồng đất khác, thì gia đinh cứ cũng phải chồng đủ 200 viên. Thế mới biết ngay một làng nhỏ như cái mắt muỗi, người ta cũng không khuyến khích xuất dương, không thích mở cửa ra ngoài! Làng còn quy định những người đỗ đạt từ tú tài trở lên được nhận chức từ lý trưởng trở lên, và cả thành phân này nữa, ấy là những cô theo cách gọi nôm na là hoang thai cũng phải nộp 200 viên gạch vồ. Thành thử đường làng được lát bằng những niềm vui hạnh phúc, sự kiêu hãnh, chức danh và được lát bằng cả nỗi khổ đau ê chề của những mảnh đời.
Nếu ví cả xã là cái bánh, là bông hoa, thì Giếng Chùa là cái nhân đường cái nhị mật: nghĩa là nơi có lề thói nhất, cái sang và cả cái gàn của Giếng Chùa cũng là nhất xã, ở đây liên tục có những người đỗ đạt và nhưng người có địa vị chức sắc, dù chỉ là chức sắc ở xã, nhưng cũng lại thường xuyên có một hai anh chàng chày cối, đến mức dù thời nào thì những gã xắng cá này cũng như sống ngoài vòng pháp luật! Từ lâu số nhà ngói ở đây vẫn đứng đầu toàn vùng, mà lại chơi cầu kỳ lợp toàn ngói ta, nhỏ và đều tăm tắp như vảy rồng… Trông rêu phong và cổ kính.
ấy thế mà vố này cũng đói vàng mắt! Nhiều nhà nấu cháo phải độn thêm rau tập tàng. Nhiều nhà luộc chuối xanh chấm nuối. Đến cả bà Đồ Ngất, người vẫn quen ăn trắng mặc trơn, phiên chợ nào cũng xách làn mây đi mua hôm thì chân giò lợn ỉ, hôm thì, cá chép cả con còn giãy đành đạch.
Giờ cạn vốn, liền sáng chế ra bánh mạt ngô, thứ ngô trước đây chỉ dùng chưn gà, để ăn trừ bữa. Còn ông Quản Ngư, người được cả làng khen là chí lớn gan to, nước lã mà vã nên hồ. Bởi trong lúc khối anh có của nhưng chỉ ru rú bám váy vợ ở xó nhà, thì ông Quản với hai bàn tay trắng đã từng chu du đến nửa vòng trái đất. Hết Tân đảo, Tân-gia-ba, rồi mò mẫm sang đến cả đất tây từ thời còn bóng tối.