Giới Thiệu Lưng Chừng Cô Đơn
“Thà cô đơn, cô đơn cho trọn kiếp, chứ biết nhau làm chi, để rồi mới thoáng hạnh phúc đã lại cô đơn. Cái cảm giác lưng chừng như vậy, nó làm người ta chết dần chết mòn. Mà… mấy người ác lắm, viện lý do cô đơn để làm người ta đau…”
Qua hai lăm nhìn lại, thấy cuộc đời như một hành trình.
Ngày nào còn được đi, được nhìn, được nghe, được gặp gỡ mọi người, được ghi lại những trải nghiệm của bản thân là còn được sống. Sống rất mãnh liệt, sống rất yêu thương.
Thỉnh thoảng, trên chuyến hành trình dài, đeo tai nghe, bật nhạc, lại tự hỏi, liệu có ai đứng chờ mình ở cuối bến bình yên? Nhưng rồi nhanh chóng quên đi sự ủy mị thoáng qua, nhận ra rằng muốn đến được đích, thì phải bước đi trước đã. Thứ quan trọng không chắc nằm ở đích đến, mà nằm rải rác dọc đường đi, nếu chú ý tìm, sẽ tự dưng bắt gặp.
Nhớ trong phim, có câu: “Thiên kim nan mãi, nhất hồi đầu”.
Đại ý nhắc người ta không thể lúc nào cũng mãi đi và chăm chăm nhìn về phía trước, thỉnh thoảng, phải nhìn sang hai bên, hay nhìn ra đằng sau, để xem có bỏ lại thứ gì quan trọng hay không; nếu không một khi lỡ đánh mất sẽ chẳng thể vãn hồi.
Có chiều muộn, nhận được điện thoại của mẹ, giọng mẹ nhỏ nhẹ, không hờn, không trách, mà thằng con trai nghe xong tự thấy đau. “Ba ngày cuối tuần, mẹ đều làm món con thích, vậy mà tuần nào cũng một mình mẹ ăn hết…” Ừ thì, thằng con cứ mãi lo kiếm tiền, tưởng rằng đem được tiền về là giỏi, mà có biết đâu cái mẹ cần, chỉ đơn giản là được nhìn thấy con ngồi ăn một bữa ngon do chính tay mẹ nấu.
Có ngày đi làm về, cơn đau đầu hành hạ, nằm vật trên giường chẳng thiết tha làm gì, cha kêu tắm đi rồi ăn cơm cho nóng, chỉ thủng thẳng trả lời: “Để đó đi, chút con ăn”. Thấy cha nhìn, ánh mắt lạ lắm, rồi im lặng ra ngoài nhà coi tin tức. Hiểu rằng bản thân lỡ lời, vậy mà tệ bạc lắm, nói câu xin lỗi với người dưng thì được, chứ lớn rồi, câu xin lỗi nói với cha sao mà khó khăn đến lạ. Lủi thủi ra nhà tắm, ngang bếp đã thấy tô cơm cha để sẵn, lạnh tanh tự lúc nào.
Vậy đó, cứ thấy lòng cô đơn, nhưng nhìn lại mới biết đang được yêu thương bởi rất nhiều người.
Những buổi café với đám bạn thân vẫn diễn ra đều đặn. Có khác chăng bây giờ đề tài được nói đến không còn là tình yêu, mà chuyển sang thứ đáng ngán ngẩm hơn.
Lập gia đình.
Có đứa bảo: “Cha mẹ không ép, tao cũng chả muốn cưới” dù thực tế mới tháng trước cả đám xúng xính quần áo đi ăn tiệc cưới nó xong. Ngồi chưa được năm phút, điện thoại reng, nó nghe máy: “Rồi, em về liền mua đồ ăn cho anh”. Xong nó đứng dậy, thanh minh vài ba câu gì đó, leo lên xe phóng mất. Cả đám nhìn theo, thở dài, chẳng biết thương cho nó hay thương cho hiện thực bản thân cũng muốn được chăm lo cho một gia đình nhỏ của riêng mình mà chưa toại nguyện.
Mấy đứa còn lại chép miệng: “Giờ còn ngồi được với nhau chừng nào là quý chừng ấy, bởi cũng sẽ đến ngày tụi mình như nó thôi”. Ừ nhỉ… Người ta còn mơ được một gia đình, còn mình cứ ôm hoài một nỗi cô đơn.
Bạn hỏi, cô đơn như vậy, có mệt không. Mỉm cười trả lời, đã quyết định chọn để được cô đơn, thì có gì mà mệt.
Những ngày đó, học cách làm quen, hẹn hò và yêu thương cô đơn. Chẳng dễ chịu gì. Nhiều lúc đi ngoài đường, thấy người ta tay đan trong tay, thỉnh thoảng bước chậm một chút chờ người yêu, thoáng chạnh lòng, vội đẩy bàn tay rúc sâu vào túi áo khoác, so vai rảo bước trên đường dài phía trước.
Đâu phải không yêu, chỉ là chưa dám để bản thân đau lần nữa vì yêu.
Người ta nói, cô đơn lâu ngày làm trái tim chai sạn, thấy không đúng chút nào. Cô đơn lâu ngày, làm tim yếu mềm hơn, dễ đập loạn nhịp khi có một cử chỉ ân cần, quan tâm bất chợt. Rồi lại tự dằn vặt mình giữa hai chiều suy nghĩ, có nên để tim thổn thức thêm một lần hay không. Mà nhận ra, dù có yêu cũng không thể yêu cuồng dại như những ngày còn thơ trẻ. Thời đó yêu hết mình, chỉ muốn dành tất cả những thứ tốt nhất cho người mình yêu, chẳng giữ lại gì, đến lúc chia tay, không còn nhận ra được gương mặt trong gương là phản chiếu hình bóng ai.
Đến nay, yêu bằng lý trí. Ích kỷ hơn ngày trước rất nhiều, yêu nhưng chỉ có thể để dành ba phần cho đi, bảy phần còn lại cất cho riêng mình, phòng khi người ta tàn nhẫn quay lưng, vẫn còn giữ được chút gì cho bản thân tồn tại. Luôn nhớ lời mẹ dặn: “Ngoài cha mẹ ra, lúc nào cũng phải cẩn thận với những người đối xử quá tốt với con, bởi họ là người có khả năng làm con đau”.
Lời mẹ, hình như chẳng bao giờ sai.
Có người đến vội, đi cũng nhẹ. Thứ để lại chẳng phải buồn đau, hạnh phúc, chỉ là nỗi lưng chừng cô đơn.
Nhưng rồi cảm xúc cũng không đọng lại quá lâu, vì bản thân còn nhiều thứ để bận tâm hơn. Nhận ra nỗi buồn vì tình cảm bây giờ thật xa xỉ, có khi ba ngày, có khi một tuần nhìn lại, đã thấy mọi chuyện nhẹ tựa khói mây. Có người trách vô tình, cũng không sai, chỉ là cơ chế tự bảo vệ của trái tim đã làm việc tốt hơn ngày trước.