Giới Thiệu Lớp Học Rắc Rối
Ngọc ngồi chống cằm, mắt nhìn thầy nhưng dường như hồn lại để đâu đâu. Bên tai, tiếng thầy giảng Kiều làm Ngọc miên man hình dung: nếu như chính Ngọc gặp phải tình cảnh như nàng Kiều khốn khổ kia thì… Ngọc sẽ như thế nào.
Í cha! Nếu vậy thì ai sẽ là… Kim Trọng đây? Ngọc cố lôi ra một lô một lốc những đứa bạn trong và ngoài lớp để “ướm thử” và cố hình dung về “nhân vật” của… mối tình đầu. Dũng “thư sinh” cùng lớp thì dáng dấp cũng tương đồng với chàng Kim nhưng khổ nỗi là hắn… dốt văn quá. Giọng của Dũng thì kể cũng “dịu dàng” đó nhưng những điều hắn nói thì ôi thôi, mỗi lần nghe, Ngọc có thể phải nhảy dựng lên đụng nóc nhà vì… quá tức. Hay là thằng Hạo lớp chuyên Văn đây ta? Chàng này thì “siêu hạng” về ăn nói văn hoa. Chậc, nhưng chàng lại có tật thích đem chuyện người khác ra mà soi mói. Còn gì là thơ mộng, lãng mạn của “mối tình đầu” với một anh chàng chuyên moi móc những tính cách không hay của bạn bè rồi giả bộ vô tình góp ý bằng một giọng điệu văn hoa. Thế thì thằng Trọng bên lớp chuyên Toán vậy! Trùng tên với nhân vật. Tuyệt! Trọng hơn hẳn hai tên kia về mọi thứ, trừ cái thói quen vò đầu bứt tai khi hỏi tác giả của một bài thơ nào đó. Có lần, trong giờ ra chơi, Ngọc viết hai câu thơ “Rừng xanh ai nhuộm mà xanh. Má hồng ai nhuộm mà quanh năm hồng” [1] rồi đố hắn tác giả của hai câu thơ trong bài thơ ấy là ai. Hắn suy nghĩ mông lung lắm. Sau một hồi vò đầu bứt tóc thì đột nhiên hắn nhảy cẫng lên tựa như Ác-si-mét ngày xưa: “Của Hồ Xuân Hương! Của Hồ Xuân Hương! Đúng không? Ngọc thua Trọng rồi nhé. Ha ha ha…”. Trọng cười một cách đắc thắng khi thấy Ngọc mở to mắt kinh ngạc nhìn mình. Trọng từng nói, từ trước đến giờ, hắn chỉ thuộc mỗi bài “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương trong chương trình văn học. Lý do thứ nhất là bài thơ này chỉ có bốn câu, mà câu mở đầu “Thân em vừa trắng lại vừa tròn” đã là một sự thật hiển nhiên: bánh trôi nước thì phải trắng và tròn chứ! Thứ hai là mẹ hắn hay nấu món chè này cho hắn ăn. Cái sự “bảy nổi ba chìm” của bánh trôi, hắn cũng đôi lần nhìn thấy. Thứ ba là trong giờ giảng bài thơ này, thằng Phú đã nói ra đúng cái câu mà hắn đang định phát biểu để lấy le với các bạn sau những chuỗi ngày thất bại ê chề trong giờ Văn rằng: “Tác giả bài thơ này đã miêu tả rất sinh động một cô gái da trắng, mập, tròn và có tấm lòng đỏ như son”. Tấm lòng đỏ như son của cô gái nào kia hình dạng ra sao thì hắn chưa biết nhưng hắn đã chứng kiến khuôn mặt… biến dạng của cô giáo dạy Văn khi nghe thằng Phú “cảm thụ” bài thơ một cách… kinh dị như thế. Hắn mừng rơn vì mình đã không “dại dột” phát biểu trước thằng Phú cái điều mà mình vừa suy nghĩ được. Nếu không, đó lại là một thất bại nặng nề tiếp theo bên cạnh những thất bại thảm hại khác trong giờ Văn. Thế là lần đầu tiên, một bài thơ không có công thức như Toán, hắn lại thuộc làu làu và nhớ từng câu từng chữ lẫn tên tác giả một cách “khắc cốt ghi tâm”. Cho đến mãi về sau này, hễ có ai đọc bất cứ bài thơ nào, hắn cũng lẩm nhẩm hỏi: “Thơ đó của Hồ Xuân Hương hả mậy?”… Hỏng bét, hỏng bét – Ngọc nghĩ thầm – chàng Kim là người đối văn đàm thơ với nàng Kiều, nếu cứ mỗi lần “đụng” đến thơ văn mà chàng lại cứ vò đầu bứt tóc thì còn gì là thơ hay văn nữa…
Thôi, chắc chọn đại Phong “người mẫu” cho rồi. Phong dù sao cũng hơn mấy đứa kia, nhưng Phong lại bị một cái tật là chẳng ưa gì khi nói chuyện với… con gái. Thế là hỏng bét tất cả! Kim Trọng ơi là Kim Trọng! Chậc, thôi thì chuyện ai là Kim Trọng để sau tính vậy.
Bây giờ thử xem ai sẽ là nhân vật Thúc Sinh đây! Thúc Sinh mê Kiều, coi trọng tài năng của nàng nhưng lại quá… nhát gan. Ôi, chọn Tường “văn nghệ” vào vai này là phải nhất bởi Tường có rất nhiều điểm giống Thúc Sinh: mê thơ văn, ghiền nghe hát, đam mê nghệ thuật nhưng lại luôn… lẩy bẩy mỗi khi đứng lên phát biểu trước lớp. Có lần, hắn đọc cho cả lớp nghe bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan, không biết hồn vía thế nào mà sau mấy lần tằng hắng, nuốt nước miếng, đưa tay vuốt ngực, Tường mới run run cất giọng: “Nàng có ba người anh đi bộ…”. Ngưng rất lâu rồi hít một hơi dài, hắn mới tiếp tục cất tiếng “… Đội em nàng có em chưa biết nói…” thay vì phải là “Nàng có ba người anh đi bộ đội. Em nàng có em chưa biết nói”. Chưa hết, có lần, trong một tiết lịch sử, Tường còn đọc: “Quân ta đánh sập một cái cầu tiêu… (ngưng một lúc để tiếp thêm tinh thần) diệt ba xe tăng địch”. Cả lớp mắc cười muốn lộn ruột nhưng cũng phải cố ép tiếng cười trở ngược vào trong vì sợ thầy la… Thôi, nhưng dù sao, đó cũng là những vướng mắc nho nhỏ, có thể tha thứ được. Tạm ổn, tạm ổn. Vậy, còn nhân vật…