Làm lẽ

Làm lẽ

Giới Thiệu Làm lẽ

Mạnh Phú Tư, tên thật: Phạm Văn Thứ; 1913 – 1959), nhà văn Việt Nam. Sinh trong một gia đình nông dân quê ở Hải Dương. Học trung học, bỏ dở để làm gia sư, viết báo, viết văn kiếm sống. Tiểu thuyết đầu tay “Làm lẽ” được giải nhất về tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn (1939). “Làm lẽ” và “Nhạt tình” (tiểu thuyết, 1942) đi sâu vào thân phận tủi nhục của người phụ nữ trong cảnh chồng chung khá phổ biến đương thời. Tác phẩm tiêu biểu hơn cả là “Sống nhờ” (1942), tiểu thuyết tự truyện, kể về tuổi thơ cay đắng của tác giả – đứa bé mồ côi cha, mẹ đi lấy chồng khác, phải “sống nhờ” nhà bà con và bị hắt hủi phũ phàng. Tác phẩm thể hiện tình cảnh người đàn bà goá ở nông thôn, nạn nhân của những tập tục phong kiến hủ bại, phơi trần lối sống tư hữu trong nhiều gia đình nông thôn, làm cho con người trở thành ích kỉ, độc ác và gây nên những bi kịch triền miên giữa những người ruột thịt. “Sống nhờ” có giá trị hiện thực, giàu chất trữ tình. Các sáng tác khác: tiểu thuyết “Gây dựng” (1941), “Một cảnh sống” (1941), “Một thiếu niên” (1942) và tập truyện ngắn “Người vợ già” (1942).
Sau cách mạng, Mạnh Phú Tư giữ chức phó chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Thanh Hà (Hải Dương), nhưng chủ yếu làm báo phục vụ cách mạng và kháng chiến. Bút kí “Rãnh cày nổi dậy” (1946) ghi lại những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám sôi động ở một vùng nông thôn. Mạnh Phú Tư mất ở Hà Nội, khi đang làm biên tập báo “Văn học”.
Một buổi trưa nắng gắt, cuối hè. Hình như có bao nhiêu sức nóng, ngày giờ cố hút hết, để sắp sửa sang thu. Trong làng không một tiếng động; mọi vật bị nắng đốt, im lìm trong không khí khó thở. Không một hơi gió.
Trên chiếc sân đất nẻ, gồ ghề và rắn cứng, Trác đội chiếc nón chóp rách, khom lưng quét thóc. Nàng phải dển hai bàn chân để tránh bớt sức nóng của sân đất nện. Thónh thoảng, nàng đứng ngay người cho đỡ mỏi lưng, rồi đưa tay áo lên lau mồ hôi ròng ròng chảy trên mặt. Chiếc áo cánh nhuộm nâu đã bạc màu và vá nhiều chỗ bị ướt đẫm, dán chặt vào lưng nàng. Cái yếm trắng bé nhỏ quá, thẳng căng trên hai vú đến thì và để hở hai sườn trắng mịn. Mỗi lần Trác cúi hẳn xuống để miết chiếc chổi cùn nạy những hạt thóc trong các khe, cái váy cộc, hớt lên quá đầu gối, để lộ một phần đùi trắng trẻo, trái hẳn với chân nàng đen đủi vì dầm bùn phơi nắng suốt ngày.
Dưới mái hiên, ngay gần chái nhà bếp, bà Thân, mẹ nàng, ngồi trên mảnh chiếu rách, chăm chú nhặt rau muống. Bà cầm trong tay từng nắm rau con, vảy mạnh cho sạch những cánh bèo tấm, rồi cẩn thận ngắt lá sâu, lá úa; vạch từng khe, từng cuống tìm sâu. Bà cẩn thận như thế là vì đã hai bữa cơm liền, bữa nào trong bát rau luộc cũng có sâu, và Khải, con giai bà, đã phải phàn nàn làm bà đến khó chịu. Chốc chốc, bà với chiếc khăn mặt đỏ rách vắt trên vai, lau mắt như để nhìn cho rõ thêm.
Hết mớ rau, bà mệt nhọc, ngồi ngay hẳn lên, thở hắt ra một hơi dài, đưa mắt nhìn ra sân. Thấy Trác làm lụng có vẻ mệt nhọc, bà động lòng thương, dịu dàng, âu yếm bảo:
– Nắng quá thì để đến chiều mát hãy quét con ạ. Tội gì mà phơi người ra thế.
Rồi bằng một giọng buồn buồn như nói một mình:
– Khốn nạn! Con tôi! Nắng thế này!
Trác thấy mẹ ngọt ngào, tỏ vẻ thương mình, trong lòng lâng lâng vui sướng. Nàng cũng dịu dàng đáp lại:
– Chả còn mấy, mẹ để con quét nốt.
Nói xong nàng lại cúi xuống thong thả quét. Nàng vui vẻ thấy đống thóc gần gọn gàng: nhưng nàng vẫn không quên rằng hót xong thóc lại còn bao nhiêu việc khác nữa: tưới một vườn rau mới gieo, gánh đầy hai chum nước, thổi cơm chiều, rồi đến lúc gà lên chuồng, lại còn phải xay thóc để lấy gạo ăn ngày hôm sau. Song nàng không hề phàn nàn, vì phải vất vả suốt ngày. Những việc ấy, không ai bắt buộc nàng phải làm, nhưng nàng hiểu rằng không có thể nhường cho ai được, và nếu nàng không dúng tay vào tất trong nhà sẽ không được êm thấm, vui vẻ. Quét vòng quanh mấy lần, từng thóc đã dần dần dày thêm, và nhát chổi đã thấy nặng, Trác lấy cào vun thóc vào đống.

Đọc Online Làm lẽ

Đọc Onine

Download Ebook Làm lẽ

Download PDF

Download Epub

Download Mobi

Download AZW3

Exit mobile version