Ký Thác

Ký Thác

Giới Thiệu Ký Thác

Viết văn chỉ là một thứ kỹ thuật, tương đối dễ học. Nhưng muốn sáng tác, em cần phải có cái gì trong lòng, để mà nói ra, bằng không, thì giã từ văn chương vậy“. Qua lời giảng của một nhà văn với giai nhân muốn học làm nữ sĩ trong truyện ngắn „Lầu 3 Phòng 7“ Bình- nguyên Lộc đã cố tình phân biệt hai động từ có ý nghĩa của hai hành vi khác nhau: „viết văn“ và „sáng tác“. Ông quan niệm rằng, đáng gọi „ văn sĩ“ là người „đã vật lộn với tình cảm, với tư tưởng, đã lao khổ sáng tác, và rốt cuộc, đẻ ra được những cái gì bền vững…“, và đối với văn sĩ, người mà theo thói thường được gọi là „người viết văn“, thì „ viết văn nào phải để leo lên đâu đâu?“(Lầu 3 Phòng 7) mà là để „dồn tất cả tinh hoa đã thâu lượm… để sản xuất ra tác phẩm nghệ thuật“ (Người Ðờn Ông Ðẻ). Muốn có được những tinh túy đó nhà văn không phải chỉ sử dụng tài năng kết chữ thành câu, kết câu thành truyện, mà còn có sự miệt mài làm việc của tim và óc, còn có sự thoát ly ra khỏi cái tháp ngà xa cách con người cũng như ra khỏi cái vùng tâm linh chật hẹp của chính mình. Ðọc „Ký Thác“ của Bình-nguyên Lộc để thấm thía quan niệm về con người trong các truyện của ông, con người với đầy đủ nhân phẩm, nhân vị, nhân cách trong mọi trạng huống và để cảm thụ một lời khuyên nhắn, cũng có thể là một mơ ước hay là một hy vọng của tác giả đặt để vào những ai muốn làm văn nhân. Ðó là sự trang bị cho chính mình những tư tưởng, suy nghiệm, ý thức tôn trọng mọi giá trị của cuộc đời bằng cách chấp nhận gian khổ của cuộc đời, cũng như của những cơn đau thai nghén để và vì sáng tác.
Quan sát nhân vật Bình-nguyên Lộc, độc giả đôi khi có cảm tưởng như đứng trước một khu vườn thiên nhiên có đủ cả mọi loại bông hoa từ màu sắc rực rở đến mộc mạc, từ hương thơm ngào ngạt đến mùi hăng hắc khó ngửi, từ loại vừa nở đã tả tơi vì một cơn gió nhẹ đến thứ mặc cho màu úa nhụy phai vẫn bám trên cành. Và cả những bông hoa nhỏ xíu mọc hoang dại nhưng mạnh mẽ bên lề đường đất lẫn lộn với dấu cỏ bị dẫm nát bằng hằng bao vết chân vô tình đi qua. Cá tính của nhân vật Bình-nguyên Lộc cũng đa dạng đa diện như thế. Ðó là những con người xuất hiện như chính họ được sinh ra đời, sống với những cơn mưa nắng của tâm tình và hiện thực trên mọi bình diện tâm lý và hoàn cảnh. Bình-nguyên Lộc viết về họ, kể về họ như viết về những nguyên bản của người sống thực tế: họ là thủ phạm, là nạn nhân, là người chân thành, là kẻ gian xảo, biết xử sự khôn ngoan, hay vụng về trong tinh thần bấn loạn… Trong xã hội, có người được ưu đãi trọng dụng, mà cũng có người bị hất hủi gạt bỏ, trong sự tàn nhẫn cố tình hay chỉ do một ngẫu nhiên không dụng ý… Ông luôn luôn tìm ra tính chất mâu thuẫn của tánh tình, sắc thái, suy nghĩ, hành động của từng cá nhân một trong nếp sống thường nhật của con người. Có thể nói, nhân vật Bình-nguyên Lộc không siêu việt mà cũng chẳng thuần xấu xa, không là anh hùng để tôn sùng mà cũng chẳng đê tiện đến đáng bị phỉ nhổ, không cứng ngắt như được nặn bằng sáp mà cũng chẳng èo uột như cọng bún thiu. Ở mỗi con người đều có khuyết điểm và lúc nào cũng tiềm ẩn bên sau chỗ yếu đuối một phần đáng để ý, đáng quý mến.
Trên đường du hành đi vào nội tâm của nhân vật „Ký Thác“, độc giả sẽ gặp gỡ vài tương phản của bản tính, có khi nó phát triển một cách tự nhiên theo hiện tượng tâm lý tuổi tác, như trường hợp ông bố già gương mẫu đi học làm thanh niên (Hạ Bệ), có khi nó lại biến thể một cách bất ngờ do phản ứng tâm lý, như anh sinh viên y khoa nhút nhát hết sợ thây ma vì bùi ngùi về nghĩa của đời người sau khi chết qua cái xác không thừa nhận của người yêu phụ bạc (Ba Sao Giữa Giời). Cũng có những tương phản của hoàn cảnh và tâm trạng thật chua chát xót xa như cô gái trẻ bị bịnh thương hàn vì gia đình chết đói nên cãi lịnh bác sĩ cấm ăn (Ăn Cơm Chưa), cái cảm giác trống rỗng trong lòng và quanh mình tuy kề cận với giai nhân khi nhà văn biết chắc rằng mình sẽ không thể gặp được người „văn hữu“ trong nàng (Lầu 3 Phòng 7), sự sợ hãi chính mình của con người „đã vơi cạn hết chất người“ khi tự cảm nhận tính chất đê hèn của phản bội (Ba Con Cáo)…. Bản sắc mâu thuẫn đầy nhân tính đó hoặc đã nằm trong vô / tiềm thức qua những đợt suy nghĩ thì thầm như tự nói với mình của nhân vật; hoặc xuất hiện rõ ràng trên ý thức của „Kẻ Chiến Bại“, mượn hình ảnh hùng vĩ thu hẹp vào hòn non bộ để dối lòng, để che đậy cái mặc cảm nhỏ nhoi của đời mình; hoặc bằng những liên tưởng được khêu gợi từ hình ảnh trước mắt, như ả ca nhi già trong cơn lạnh là tương lai của chàng thi sĩ khi chàng không còn là đồ trang sức cho những ông nhà giàu „thích ké cái thơm lây của văn nghệ sĩ“ nữa (Pì-Pế-Hán). Một tật xấu rất được „chuộng“ của con người là liên hợp hay đồng hóa sự ghen ghét trong lòng với môi trường sống thật, đã được tế nhị kể lại qua chuyện anh văn sĩ nhất định chống chữ f với đám bạn văn chỉ vì trong tiềm thức của anh còn giữ bức thơ dứt tình của người yêu đã có những chữ f (Hồn Ma Cũ), chuyện anh chàng oán một người phụ bạc rồi coi mọi người đàn bà là „những con ác quỷ“ và cho đời chỉ đáng xa lánh (Rung Cây Dừa), chuyện cô gái già tuổi dần sống trong cảnh ế ẩm cô đơn đã từng hết thương bạn, cố tìm ra đủ thứ lỗi lầm to nhỏ để ghét bạn, tại vì bạn đi lấy chồng (Ðôi Bạn Mắc Hoa Vông). Sự xuất hiện cùng một lúc hai mặt đối chọi nhau của sự kiện thực tế ngoài đời, hay của tâm lý và bản tính con người trong một số truyện là minh chứng cho những vấn đề tuy khó ngờ khó tin nhưng vẫn có thể là sự thật. Đó là sự tương thân khi cùng khốn khổ của hai „con cáo“ người (Ba Con Cáo), hay tính cứng đầu của kẻ ở thế yếu: cãi không được mà không chịu thua (Người Tài Xế Ðiên), đó là cảnh tượng cay đắng của khoa học thuốc vừa cứu người ra khỏi tay tử thần rồi khoa học máy cán người dưới bánh xe (Cho Tay Nầy, Lấy Tay Kia), hay quyết định dứt khoát của kẻ rời bỏ đảo „thần tiên“ để quay về đời sống loài người „giả dối“, vì cái nơi xấu xa có đủ mọi yếu tố tình cảm đau-buồn-hận-thù-ghét này còn đặc biệt có „thương“…. (Rung Cây Dừa).

Đọc Online Ký Thác

Đọc Onine

Download Ebook Ký Thác

Download PDF

Download Epub

Download Mobi

Download AZW3

Exit mobile version